Di tích danh thắng Thác Trắng nằm cạnh khu vực được thực hiện thủ tục đóng cửa mỏ tiếp tục bị các đối tượng “vàng tặc” xới tung, băm nát núi rừng. Điều đáng nói, điểm khai thác vàng trái phép lại nằm gần trụ sở UBND xã Tam Lãnh. Một số đối tượng ngang nhiên đưa phương tiện cơ giới vào khai thác trong một thời gian dài khiến dư luận không khỏi bức xúc, hoài nghi về việc có hay không chuyện “tiếp tay” cho các đối tượng khai thác vừng trái phép. Phóng viên VOV tại miền Trung đã vào tận nơi các đối tượng “vàng tặc” tàn phá núi rừng.

Độc đạo dẫn vào “đại bản doanh” của “vàng tặc” rộng chưa đến 2m khá lầy lội, mặt đường chằng chịt dấu vết xe máy, xe tải... Hầu hết các con suối dọc đường vào danh thắng Thác Trắng nước đục ngầu, những phiến đá phủ đầy bùn non. Tại khu vực thượng nguồn Thác Trắng, nhiều người không khỏi sững sờ khi chứng kiến cảnh núi đồi bị cày xới tan hoang, nham nhở. Rất nhiều bãi khai thác vàng trái phép với diện tích lớn như một ”đại công trường”.

Những khoảnh rừng rộng hàng chục héc ta được chia ra thành nhiều khu vực khai thác vàng trái phép. Một phần ngọn núi đã bị san phẳng, đào bới loang lổ, hàng ngàn mét khối chất thải trên đỉnh đổ xuống gây sạt lở vách núi. Phát hiện có người lạ xuất hiện, các đối tượng liền đưa phương tiện cất giấu.

Tại hiện trường là nhiều bể chứa ngâm ủ lọc vàng cùng hàng chục lán trại tạm bợ, cạnh đó là những bao hóa chất bốc mùi nồng nặc. Dấu vết tại hiện trường cho thấy các đối tượng cùng phương tiện cơ giới vừa mới hoạt động tại khu vực này, quá trình khai thác vàng trái phép tại đây đã diễn ra trong một thời gian dài.

Một phụ nữ ở thôn Bồng Miêu, xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh cho biết, tháng 8 vừa qua khi UBND tỉnh Quảng Nam có Quyết định đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu, người dân rất vui mừng, chờ đợi Nhà nước sẽ giao đất cho bà con tổ chức sản xuất. Thế rồi ai cũng thất vọng. Người phụ nữ đã vào tuổi xế chiều này không biết đến bao giờ người dân quê mình mới thoát khỏi nỗi ám ảnh của nạn “vàng tặc”.

"Tỉnh Quảng Nam nói là sẽ đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu mà không hiểu sao tôi thấy vẫn còn khai thác, ít hay nhiều thì tôi không rõ. Họ làm vàng trong đó, cái rẫy keo của tôi ở đây thì họ dùng máy đào múc sâu xuống, dùng bao cát chất cao lên để làm cái hồ làm vàng trong đó, đang làm trong đó. Ôi, tôi thấy người ta họ vẫn làm rất nhiều trong đó, họ chở vôi, chở đồ vô đó, máy múc ra vào liên tục. Ôi khổ lắm, khổ vì vàng”, nhân vật xin được dấu tên cho biết.

Thác Trắng là Di tích cấp tỉnh đã được khoanh vùng bảo vệ, huyện Phú Ninh cũng tiến hành xây dựng đề án phát triển du lịch tại khu vực này. Hiện nhiều người không khỏi xót xa khi chứng kiến toàn bộ đồi núi và hệ sinh thái rừng bị biến dạng. Không còn dòng nước trong xanh và hệ sinh thái rừng đa dạng, con suối đưa nước từ thượng nguồn đổ về Thác Trắng đã bị bồi lấp, bùn đất đặc quánh. Một người dân xã Tam Lãnh bức xúc, nước thải chứa chất cực độc như cyanua, thủy ngân từ các điểm làm vàng chảy tràn ra khắp nơi. Chưa ai dám chắc, liệu nguồn nước này có ảnh hưởng đến sức khỏe người dân hay không?

 “Nước sông suối giờ đục quá không chịu nổi là vì khai thác vàng, nước từ trong trong lò chảy ra rất đục, từ đó là nước này không sử dụng được. Hồi trước mỗi lần thả nước là tôi đánh được 5 đến 7kg cá nhưng mà giờ cá cũng không còn luôn", một người dân nêu ý kiến.

Tại khu vực mỏ vàng Bồng Miêu, tình trạng khai thác vàng trái phép diễn ra nhiều năm. Các lực lượng chức năng đã tổ chức nhiều đợt truy quét, nhưng sau mỗi lần đẩy đuổi, các đối tượng khai thác trái phép tiếp tục quay trở lại hoạt động. Điều đáng nói, “đại công trường” trái phép nằm trên thượng nguồn di tích Thác Trắng chỉ cách trụ sở Ủy ban Nhân dân xã Tam Lãnh khoảng 3km.

Thực tế này khiến dư luận đặt câu hỏi, liệu có chuyện “tiếp tay” hay sự bất lực của chính quyền địa phương khi “vàng tặc” ngang nhiên hoạt động?. Ông Trần Quốc Danh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh cho biết, do địa hình đồi núi hiểm trở khiến công tác quản lý khoáng sản gặp nhiều khó khăn.

Năm nay, huyện Phú Ninh đã tổ chức 19 đợt truy quét, đẩy đuổi. Thế nhưng, khi phát hiện lực lượng chức năng từ xa, các đối tượng đã thông báo và tháo chạy nên tất cả các đợt truy quét chủ yếu là đập phá, tiêu hủy một số máy móc chứ không thể xử lý các đối tượng vi phạm.

“Chúng tôi chưa dám khẳng định rằng có việc tiếp tay ở đây hay không. Đối tượng lẩn trốn trong rừng núi, muốn xử lý rốt ráo thì buộc phải có chuyên án điều tra, ông nào là chủ mỏ tổ chức khai thác trái phép chứ còn toàn bộ những người chúng tôi phát hiện khi truy quét đều là người làm thuê nên cùng lắm chỉ có thể xử lý hành chính. Năm ngoái, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam giao cho Công an tỉnh điều tra xử lý theo hướng này, tuy nhiên thời gian gần đây lại rộ lên lại", ông Danh nói.

Có hay không tình trạng “tiếp tay”, “bật đèn xanh” cho các đối tượng băm nát Di tích Thác Trắng để khai thác vàng trái phép?. Cần có sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan điều tra mới có thể làm rõ việc này. Đại tá Nguyễn Hà Lai, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, ở nhiều thời điểm, khu vực núi Bồng Miêu có ít nhất 500 đối tượng ngang nhiên đưa máy móc vào khai thác vàng trái phép từ khu vực chân núi đến đỉnh núi. Các đối tượng tỏ ra manh động, thậm chí nhiều lần chống đối lại lực lượng chức năng trong các đợt truy quét, đẩy đuổi.

“Để các đối tượng không tiếp tục làm vàng trái phép thì chúng ta phải xử lý hình sự hoặc hành chính. Lâu nay các biện pháp, phương pháp đấu tranh với các đối tượng dù rất quyết liệt nhưng chưa có sự phối hợp đồng bộ, chúng ta chưa xử lý triệt để nên các đối tượng không sợ. Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Quảng Nam sẽ tập trung để đấu tranh xử lý các đối tượng này. Hiện nay có cả các băng nhóm, có cả các đối tượng hình sự tham gia bảo kê, bảo vệ, tranh giành các hầm vàng với nhau", Đại tá Nguyễn Hà Lai khẳng định./.