Là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế khó khăn, trong thời gian dài, người dân ở nhiều địa phương thuộc tỉnh Gia Lai được bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí. Do sự phát triển của kinh tế xã hội địa phương, nhiều thôn làng đã ra khỏi diện khó khăn, không còn được hỗ trợ BHYT toàn phần, nên số người tham gia BHYT giảm mạnh, bà con gặp khó khăn khi chi trả phí khám chữa bệnh.
Trước thực tế này, ngành chức năng tỉnh Gia Lai đã thực hiện nhiều giải pháp và bước đầu đã gia tăng tỷ lệ người dân tộc thiểu số tham gia BHYT.
Gia đình chị Kpă Bli ở thôn Plei Tel B (xã Ia Sol, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), đã quyết định tái tham gia BHYT để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cả gia đình. Theo chị Kpă Bli, trước đây, gia đình chị thuộc diện được hỗ trợ 100% BHYT, tuy nhiên hơn 1 năm nay đã ra khỏi diện được hỗ trợ. Trong khoảng thời gian đó, một phần vì kinh tế khó khăn do dịch COVID-19, mặt khác vì chủ quan nên chị BLi không mua bảo hiểm.
Mới đây, sau khi nhập viện điều trị sốt siêu vi và phải trả viện phí với số tiền không nhỏ, chị nhận thấy sự cần thiết của BHYT: “Trước kia thì được Nhà nước hỗ trợ cho BHYT, nhưng bây giờ Nhà nước không hỗ trợ BHYT nữa. Mới đây tôi tự đi bệnh viện thì phải chi trả 100% tiền, lần tôi đi viện là hết 1,2 triệu đồng. Nếu mà có bảo hiểm thì tôi không mất tiền như thế. Qua đây, tôi rút kinh nghiệm được rằng mình sẽ quyết định mua BHYT”.
Tương tự, chị Rmah H’Brang ở thôn H’Lil 2 (xã Ia Mrơn, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) cũng vừa tham gia BHYT. Chị H’Lil cho biết, trước đây gia đình được nhà nước hỗ trợ 100% tiền bảo hiểm, nên chưa bao giờ vướng nỗi lo viện phí. Nay, mức hỗ trợ chỉ còn 40%, gia đình quyết định mua cho cả 7 thành viên vì nhận thấy lợi ích thiết thực của BHYT.
“Do là mọi người trong gia đình hay đi làm nên không biết rủi ro đến với gia đình lúc nào, vì vậy mình phải phòng thân cho gia đình để yên tâm hơn khi mình đi làm”, chị Rmah H’Brang nói.
Ông Nguyễn Hữu Hạ - Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) huyện Ia Pa cho biết, từ khi triển khai áp dụng Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, toàn huyện giảm gần 10.000 người tham gia BHYT, chủ yếu là bà con dân tộc thiểu số tại các xã vùng II và vùng III nay chuyển lên vùng I.
Để khắc phục tình trạng này, đơn vị luôn tích cực phối hợp với chính quyền các cấp tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu rõ hơn về quyền và lợi ích khi tham gia BHYT và mua BHYT trở lại.
“Ngay từ đầu năm 2022, BHXH huyện Ia Pa đã phối hợp với chính quyền địa phương tại các xã, các hội, đoàn thể trên địa bàn huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động người dân tham gia BHYT, đặc biệt tập trung vào các đối tượng người đồng bào dân tộc thiểu số bị sụt giảm BHYT do tác động của chính sách. Từ đầu năm cho đến nay, qua công tác tuyên truyền, vận động thì toàn huyện cũng đã có sự tăng trưởng về BHYT, tính đến thời điểm hiện nay toàn huyện có khoảng 47.600 người tham gia BHYT, chiếm tỷ lệ xấp xỉ 80% dân số tham gia BHYT”, ông Hạ nói.
Toàn tỉnh Gia Lai hiện có gần 1,27 triệu người tham gia BHYT, đạt độ bao phủ trên 82% dân số. Tỉnh cũng phấn đấu đến hết năm 2022 đạt 90% dân số tham gia BHYT. Ngoài công tác tuyên truyền, vận động theo hướng “đến từng ngõ, gõ từng nhà”, BHXH tỉnh Gia Lai cũng đang phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể triển khai tích cực nhiều giải pháp nhằm nâng cao tỷ lệ người dân tham gia. Trước mắt, đơn vị sẽ triển khai giải pháp hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người dân khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số.
“Trong năm 2022, BHXH Gia Lai đã tham mưu cho Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết 11 để hỗ trợ cho một số nhóm đối tượng có điều kiện khó khăn. Tích cực làm, và tăng thêm số người tham gia tương đối tốt. Ngoài ra, BHXH Gia Lai cũng đã phối hợp với Đảng uỷ Khối các Cơ quan, tham mưu Đảng ủy Khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 48 vận động các chi bộ, các đơn vị hỗ trợ cho người tham gia”, ông Lê Quốc Khánh, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Gia Lai cho biết./.