Đang chăm con bị bệnh tại Khoa Khám – Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Tâm thần tỉnh Đắk Lắk, chị H’Loanh Niê ở xã Cư Dliê M'nông, huyện Cư Mgar cho biết, con chị bị bại não từ nhỏ, nhờ uống thuốc đều nên tình trạng bệnh của cháu ổn định. Tuy nhiên, những ngày gần đây, nắng nóng kéo dài, khiến bệnh của cháu trở nặng, thường xuyên lên cơn co giật và mê sảng.

“Bình thường ngưng uống thuốc là bị. Đợt này uống thuốc thường xuyên vẫn bị, chắc do nắng nóng. Một ngày thấy nó co giật 1 lần thì cho uống thuốc, mà không đỡ, thấy 3-4 lần thì nhập viện”, chị H’Loanh Niê nói.

Nằm cùng phòng bệnh với con chị H’loanh là bệnh nhân Nguyễn Đức Lĩnh, sinh năm 2000, ở xã Trung Hòa, huyện Cư Kuin.

Theo bà Nguyễn Thị Quỳ, mẹ của bệnh nhân, cách đây 5 năm, do áp lực công việc, anh Lĩnh bị bệnh động kinh và đã được điều trị. Mấy năm qua, anh Lĩnh sinh hoạt và làm việc bình thường. Cách đây 2 tháng, anh Lĩnh không uống thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, cộng thêm trời nắng nóng khiến bệnh tái phát và phải chuyển lên bệnh viện để điều trị.

“Thời tiết nắng nóng quá thì nó giật một vài cơn, tình trạng mê sảng nhiều hơn. Tôi vào nhập viện cho cháu, bác sĩ chích thuốc cho cháu thì cháu ngủ được một lúc, giờ chưa đỡ, vẫn còn mê sảng”, bà Quỳ nói.

Theo thống kê của Khoa Khám – Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Tâm thần tỉnh Đắk Lắk, từ tháng 3 đến nay, trung bình mỗi ngày, Khoa tiếp nhận khám cho hơn 100 lượt bệnh nhân, tăng khoảng 20% so với trước đó, số bệnh nhân nhập viện cũng tăng.

Bác sỹ Nguyễn Thị Bé, Trưởng Khoa Khám – Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Tâm thần tỉnh Đắk Lắk cho hay, những bệnh nhân phát bệnh trong thời điểm này chủ yếu là bị tâm thần phân liệt, động kinh, trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn cảm xúc… Nhiều bệnh nhân vào viện trong tình trạng kích động, hoang tưởng, ảo giác, quậy phá, la hét.

Nguyên nhân gia tăng số ca bệnh có nhiều, trong đó thời tiết thay đổi, nắng nóng kéo dài chính là yếu tố ảnh hưởng tâm thần, sức khỏe của mọi người, nhất là những người làm việc căng thẳng, người già có bệnh nền, phụ nữ sau sinh... 

Để hạn chế tình trạng tái phát bệnh ở bệnh nhân tâm thần, trong thời gian này, người nhà cần thường xuyên quan tâm tới người bệnh. Khi thấy các triệu chứng như ăn uống kém, mất ngủ, bứt rứt, mất kiểm soát người nhà cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế điều trị sớm tránh để bệnh trở nặng có thể gây ra hành động nguy hiểm.

“Trước tình hình nắng nóng như vậy, các bệnh nhân nên uống thuốc đầy đủ, đều đặn đúng hướng dẫn của bác sĩ. Trong thời gian này tăng cường lượng nước lên để đào thải thuốc ở trong máu ra. Với những bệnh nhân đi làm được thì tránh những thời điểm nắng nóng quá mức, không tiếp xúc trực tiếp với nhiệt độ cao”, bác sỹ Nguyễn Thị Bé khuyến cáo.