Dịp cuối tuần, người dân thôn Khe Phương, xã Kỳ Thượng, TP Hạ Long lại đón vài đoàn khách du lịch từ miền xuôi. Vốn được coi là nơi “thâm sơn, cùng cốc”, cách trung tâm thành phố hơn 60km đường núi quanh co, người Dao Thanh Phán nơi đây chưa từng nghĩ rằng những cánh rừng nguyên sinh, những con suối mát, ngôi nhà truyền thống... lại có thể trở thành kế sinh nhai.

Anh Lý Tài Ngân, người đi đầu xây dựng mô hình du lịch Am Váp Farm tại Khe Phương chia sẻ: “Những ngày lễ truyền thống ở đây như lễ cấp sắc, Tết dài, cúng Bàn Vương, chúng tôi đưa khách vào cùng các gia đình, trải nghiệm thực tế luôn. Vào thứ 7, Chủ nhật thì tổ chức hát, giao lưu, nhảy sạp cùng bà con dân bản”.

Du lịch cộng đồng đang bước đầu trở thành một trong những đòn bẩy mới trong xây dựng nông thôn mới ở nhiều xã vùng cao của thành phố Hạ Long - nơi sở hữu cảnh quan sinh thái và văn hoá độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số. Với những chương trình, đề án, cách làm riêng, Quảng Ninh tập trung dành nhiều nguồn lực đầu tư cho vùng khó, từng bước làm đổi thay diện mạo và đời sống của người dân tại các vùng nông thôn, miền núi.

Ngay từ năm 2020, sau khi sáp nhập huyện Hoành Bồ với 12 xã vùng núi này, thành phố Hạ Long đã ưu tiên dành nguồn lực đầu tư thực hiện Chương trình 135, Chương trình xây dựng nông thôn mới với tổng kế hoạch vốn đầu tư trên 139 tỷ đồng. Đường giao thông trục xã, thôn xóm nội đồng được cứng hoá, vươn tới các thôn bản xa xôi nhất đã giúp nhiều vùng đất chuyển mình nhanh chóng, giao thương, phát triển sản xuất. Cùng với các nguồn vốn lồng ghép, hàng chục công trình nước sinh hoạt, kênh mương, hồ chứa được xây mới góp phần phục vụ tưới tiêu; các trường học, nhà văn hoá, chợ từng bước được chuẩn hóa…

Xuất phát điểm thấp với tỷ lệ hộ nghèo hơn 11%, thu nhập bình quân 11 triệu đồng/người/năm nhưng đến hết năm 2021, tất cả các xã trên địa bàn thành phố Hạ Long đã đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập đạt gần 62 triệu đồng/người/năm, không có hộ nghèo khu vực nông thôn. Ông Linh Du Hồng, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Kỳ Thượng cho biết, từ xã 135 thuộc diện đặc biệt khó khăn, đến nay, Kỳ Thượng đã về đích nông thôn mới và đang hướng tới nông thôn mới nâng cao.

“Vừa rồi tỉnh có thêm Nghị quyết 06 về phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Nghị quyết 337 về trồng rừng gỗ lớn, phải nói là những hỗ trợ đột phá. Bà con nhìn thấy lợi nhuận, thu hoạch đầu ra rất ổn định nên rất hưởng ứng tham gia. Sắp tới sẽ có dự án đường giao thông nối từ trung tâm thành phố qua Kỳ Thượng thuận lợi hơn. Chúng tôi cũng có định hướng phát triển du lịch sinh thái, phát huy bản sắc văn hoá người Dao”, ông Hồng cho hay.

Đầu tư kết cấu hạ tầng và giao thông gắn với xây dựng nông thôn mới cũng là bước đột phá để Bình Liêu - huyện miền núi biên giới với trên 96% đồng bào dân tộc thiểu số có bước phát triển vượt bậc. Năm 2022, huyện phát động chiến dịch cao điểm “45 ngày đêm” cơ bản hoàn thành GPMB các dự án, công trình; thành lập 7 tổ công tác phụ trách kiểm tra, hướng dẫn, hỗ trợ các xã, thị trấn thực hiện nhiệm vụ; tuyên truyền vận động hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và đô thị văn minh.

Đến nay, toàn huyện đã hoàn thành tuyến giao thông kết nối 104 thôn, bản, khu phố; đầu tư hoàn thiện hạ tầng điện, viễn thông, các công trình quy hoạch trọng điểm… Bình Liêu trở thành cái tên mới nổi trên bản đồ du lịch Quảng Ninh, thu hút hàng vạn lượt khách trải nghiệm du lịch đường biên giới, các lễ hội mùa vàng, soóng cọ, hoa sở… Người dân đã dần trở thành chủ thể, chủ động phấn đấu hoàn thiện các tiêu chí về phát triển sản xuất, môi trường và giảm nghèo. Các mô hình tổ chức sản xuất miến dong, hồi, quế ngày càng liên kết chặt chẽ hơn.

“Bà con hiến đất, tham gia ngày công làm đường, có đường là xin thoát nghèo, kết nối giao thương bên ngoài, tập trung phát triển sản xuất. Huyện cũng đang kêu gọi các nhà đầu tư lên đầu tư tại các địa điểm có lợi thế về cảnh quan khí hậu như Khe Vằn, Sông Moóc, Cao Thắng; tiếp tục đầu tư nâng cấp mở rộng các tuyến đường giao thông... để đảm bảo phát triển tốt hơn nữa sản xuất gắn với du lịch”, ông Đỗ Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu cho biết.

Năm 2022, TP Hạ Long cùng các huyện Bình Liêu, Ba Chẽ, Vân Đồn đặt mục tiêu về đích nông thôn mới; huyện Đầm Hà và Tiên Yên về đích nông thôn mới nâng cao. Các huyện, xã đã về đích giai đoạn trước 2021 đang tập trung nâng chất các chỉ tiêu, tiêu chí theo bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025, chuyển dần từ “lượng” sang “chất” với các giải pháp phù hợp với địa phương. Quảng Ninh phấn đấu trở thành tỉnh nông thôn mới trong năm 2022, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, thu hẹp khoảng giữa thành thị và nông thôn, miền núi./.