Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2024, Krông Bách đã ghi nhận 3 trường hợp tử vong do bệnh dại, là huyện có số ca mắc bệnh dại nhiều nhất tỉnh Đắk Lắk. Ông Y Doãn Niê, phó Chủ tịch UBND huyện Krông Bách thừa nhận, công tác phòng chống bệnh dại của địa phương gặp nhiều khó khăn do nhiều hộ nuôi chó mèo không hợp tác với cơ quan chức năng trong công tác phòng bệnh: “Người dân chăn nuôi chó mèo trên địa bàn huyện chủ yếu thả rông ở ruộng rẫy, cán bộ thú y nhiều lần đến tiêm phòng nhưng gia đình không thể bắt được và cố tình để không tiêm phòng vaccine".

Ở thành phố Buôn Ma Thuột hay bất cứ nơi đâu trên địa bàn Đắk Lắk từ nông thôn đến thị trấn, thị tứ đều bắt gặp những con chó nhởn nhơ. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với người đi đường.

Chị Trịnh Thị Hồng Hạnh, ở phường Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột rất ám ảnh vì đã từng bị chó cắn: “Cách đây một tuần tôi đi bộ đi chợ, đang đi thì đột nhiên ở trong ngõ phi ra một con chó. Trời ơi, lúc đó tôi rất hoảng sợ và phản xạ đầu tiên của tôi là bỏ chạy, nhưng tôi càng bỏ chạy, chó càng ví theo và hung hãn hơn. Nhìn thấy chó thả rông là tôi rất hoảng sợ”.

Trung bình mỗi năm, Đắk Lắk có khoảng 6.000 người bị chó, mèo cắn phải đi điều trị dự phòng. Riêng từ đầu năm đến nay, tỉnh có 4 người tử vong do bệnh dại.

Ông Đỗ Xuân Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết, nguyên nhân chủ yếu của dịch bệnh dại gia tăng là do chưa quản lý được đàn chó, mèo; Tỷ lệ tiêm phòng vaccine dại còn thấp, chỉ đạt 37%. Mặt khác việc áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về quản lý chó nuôi, tiêm phòng vaccine dại cho chó, mèo chưa nghiêm.

“Trước giờ chưa thấy đơn vị cá nhân nào xử phạt việc để chó mèo cắn. Luật thì có rồi nhưng chúng ta chưa áp dụng. Bên cạnh việc tuyên truyền phổ biến về công tác phòng chống dịch dại thì cần thực hiện nghiêm chế tài xử lý vi phạm. Những trường hợp mà nuôi chó mèo không thực hiện đúng quy định của pháp luật và gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì cơ quan chức năng có thể truy xét trách nhiệm hình sự đối với chủ vật nuôi theo quy định”, ông Dũng nói.

Theo ông Nguyễn Thiên Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, để hạn chế nguy cơ bùng phát bệnh dại cũng như giảm số người chết vì dại, các ngành chức năng và chính quyền địa phương cần phải tập trung mọi nguồn lực để thực hiện nghiêm các kế hoạch phòng chống bệnh dại mà tỉnh đã ban hành. Trong đó, phải tăng cường công tác quản lý đàn chó; nâng cao tỷ lệ tiêm vaccine phòng bệnh dại, đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân hiểu rõ về mối nguy hại của bệnh dại.

Ông Nguyễn Thiên Văn cho rằng, nhận thức và tham gia của cộng đồng là chìa khóa then chốt cho sự thành công trong công tác phòng chống bệnh dại: “Các địa phương quan tâm tuyên truyền vận động trong cộng đồng dân cư nhằm nâng cao nhận thức của người dân về sự nguy hiểm của bệnh dại đối với con người. Người nuôi chó, mèo chấp hành việc tiêm phòng vaccine phòng dại cho đàn chó, mèo. Khi bị chó mèo cắn phải chủ động đến cơ quan y tế khám, điều trị kịp thời”.

Đắk Lắk đang trong cao điểm mùa khô, là điều kiện thuận lợi để bệnh dại trên đàn chó, mèo phát sinh, gây nguy hiểm đến tính mạng con người. Vì vậy, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, người dân cần nâng cao ý thức trong phòng bệnh để giảm trừ bệnh dại.