PV VOVonline phỏng vấn ông Choe Yangboo, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà kinh tế nông nghiệp châu Á (ASAE). 

PV: Thưa ông, đâu là vấn đề đang làm cản trở nền kinh tế nông nghiệp châu Á hiện nay?

Ông Choe Yangboo: Châu Á đang phát triển nhanh chóng, trở thành khu vực kinh tế mới của thế giới, trong đó nông nghiệp đóng vai trò quan trọng vào những thành công và phát triển của toàn châu lục này. Tuy nhiên, quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá mạnh mẽ đang diễn ra tại khu vực này đang khiến một diện tích lớn đất nông nghiệp bị chuyển đổi mục đích sử dụng. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu cũng tác động mạnh mẽ tới nền nông nghiệp tại khu vực.

PV-ong.jpg
Chủ tịch ASAE, ông Choe Yangboo

Một vấn đề đáng lo ngại khác mà các quốc gia châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và ngay cả Việt Nam cũng đang phải đối mặt, đó là tình trạng nông dân “bỏ lúa” để ra thành thị kiếm sống. Lực lượng lao động trẻ ngày nay không mặn mà với nghề trồng trọt, do đó nguy cơ thiếu hụt lao động nông thôn trong tương lai là rất dễ xảy ra, tác động lớn đến phát triển nông nghiệp.

PV: Thách thức với an ninh lương thực châu Á hiện nay là gì, thưa ông?

Ông Choe Yangboo: Trong quá trình hội nhập sâu rộng hiện nay, người tiêu dùng châu Á hiện có xu hướng ưa chuộng các món ăn “phong cách Tây”, với nhu cầu lớn về thịt, do đó nhiều quốc gia châu Á sẽ phải nhập khẩu nhiều hơn các thực phẩm khác để thay thế cho gạo. Điều này sẽ tạo ra những rủi ro đối với nền nông nghiệp châu Á, cũng như sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực, trong khi gạo được xem là một nông sản chính yếu, đảm bảo an ninh lương thực.

Tôi cho rằng, tại châu Á, gạo không những là nhu yếu phẩm mà còn thể hiện văn hóa, phong cách của nhiều quốc gia trong khu vực. Người tiêu dùng, cũng như các nhà hoạch định chính sách, cần coi trọng vai trò của lúa gạo. Cho nên, lúa gạo là yếu tố hàng đầu trong bảo đảm an ninh lương thực.

PV: Thưa ông, gần đây, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã nhất trí thành lập kho dự trữ gạo của từng quốc gia. Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của đề án này?

Ông Choe Yangboo: Quỹ dự trữ gạo các nước ASEAN được đưa ra trong bối cảnh những bất ổn chính trị tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi đang lan rộng, có nguy cơ gây ra khủng hoảng lương thực toàn cầu. Đề xuất đã được sự nhất trí của 3 đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Gạo giữ vị trí quan trọng trong bữa ăn hàng ngày tại Việt Nam (Ảnh: KT)

Việc thiết lập kho dự trữ gạo này là hết sức cần thiết, là chìa khóa để đảm bảo việc cung cấp ổn định lương thực cho toàn khu vực, nhằm tránh cơn chấn động lương thực có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Điều này là hoàn toàn cần thiết. Đây là một bước quan trọng để chúng ta có thể hình thành một hệ thống bảo đảm an ninh lương thực mang tính toàn cầu.

Tuy nhiên, cơ chế này cần phải được quản trị một cách khéo léo, có các yếu tố cần xem xét như lượng dự trữ tối ưu là bao nhiêu, để khi cần có thể đáp ứng được nhu cầu. Thứ hai là phải định lượng được chi phí, các khoản hao hụt mất mát và các quốc gia sẽ chia sẻ những chi phí này như thế nào. Cuối cùng là cần cân nhắc tính toán xem mức giá mua và giá bán sao cho thích hợp để có thể đảm bảo luôn bổ sung đủ mức dự trữ cần thiết.

Tôi được biết, Tổ chức Nông Lương của LHQ (FAO) đã đưa ra cảnh báo tình trạng bất ổn về an ninh lương thực đang gia tăng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi tập trung khoảng 60% trong số hơn 1 tỷ người nghèo đói trên thế giới. Ước tính, châu Á sẽ có thêm 1,5 tỷ dân trước năm 2050. Vì thế việc đáp ứng nhu cầu lương thực cho tất cả người dân sẽ ngày càng trở nên khẩn thiết hơn bao giờ hết.

PV: Theo ông, châu Á cần thực hiện chính sách gì để phát triển nền nông nghiệp bền vững?

Ông Choe Yangboo: Trong giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hoá, lĩnh vực nông nghiệp cần một lượng lớn vốn đầu tư giúp nâng cao năng suất nông sản. Mặt khác, khi công nghiệp hoá diễn ra, sản lượng nông nghiệp có xu hướng giảm. Điều này sẽ dẫn tới việc phải nhập khẩu lương thực từ bên ngoài. Do đó, tôi cho rằng, châu Á cần có giải pháp nâng cao chất lượng nông sản và hạ tầng, bởi đây là những yếu tố rất cần thiết cho phát triển kinh tế nông nghiệp và bảo đảm an ninh lương thực.

Bên cạnh đó, tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, phát triển nền kinh tế nông nghiệp khu vực châu Á phải gắn với nền văn minh lúa nước lâu đời tại đây, cũng như thói quen ăn uống đặc trưng của từng quốc gia. Chiến lược an ninh lương thực tại châu Á không thể tách rời văn hoá “bữa cơm gia đình” truyền thống./.