Quảng Ninh: Hoàn lưu sau bão lại là mối lo lớn

Nhờ công tác ứng phó, kịp thời di dời tàu thuyền, lồng bè và gia cố hệ thống đê nên hiện tại, khu vực ven biển đã không còn là mối nguy cấp lớn nhất đối với Quảng Ninh. Thay vào đó, hoàn lưu sau bão lại là mối lo lớn trước dự báo mưa lớn kéo dài.

mot_so_khu_vuc_bi_ngap_ung_cuc_bo_tai_hai_ha_ha_long_vov__pmql.jpg
Một số khu vực bị ngập úng cục bộ tại huyện Hải Hà, TP Hạ Long,..

Quảng Ninh không có thiệt hại về người trong bão số 3, tuy nhiên các địa phương đều ít nhiều thiệt hại về tài sản, như: cột điện đổ, sạt kênh mương, tốc nhiều mái nhà, ngập úng hoa màu, rất nhiều cây to bị đổ....

Nước sông Hà Cối (Quảng Ninh) đang dâng cao sau khi bão đổ bộ.

Một trong những khu vực đáng lo ngại nhất nếu xảy ra mưa kéo dài tại Quảng Ninh là các khai trường, bãi thải khai thác than. Từ sáng nay, tất cả các mỏ lộ thiên của TKV đã ngừng sản xuất, hiện các mỏ hầm lò vẫn duy trì sản xuất nhưng kết hợp với thường trực ứng phó.

Để đảm bảo an toàn, các huyện thị của Quảng Ninh đã di dời hàng trăm người dân tại các khu vực thấp trũng, có nguy cơ sạt lở, dưới chân bãi thải than như ở Hạ Long, Vân Đồn, Móng Cái, Tiên Yên, huyện miền núi Bình Liêu. Ở TP Hạ Long, những điểm nóng về ngập lụt vẫn đang có lực lượng ứng trực cùng với máy móc, hỗ trợ người dân và sẵn sàng tiêu úng.

Quảng Ninh ứng trực đề phòng lũ quét trên sông suối, sạt lở, ngập úng.

Hiện tại, trước nguy cơ mưa lớn kéo dài, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh vẫn đang ứng trực tại các địa phương trọng yếu, các lực lượng của Quảng Ninh túc trực, sẵn sàng các phương án đối phó với nguy cơ lũ quét, sạt lở ở miền núi, lũ lên cao trên các sông suối, chống ngập úng ở khu vực ven biển. Đặc biệt, không để người dân quay trở lại các lồng bè trên biển hay khu vực đã sơ tán cho đến khi bão đi qua hoàn toàn.

Thái Bình: Chủ động tiêu thoát nước đồng, bảo vệ hoa màu

Đến thời điểm hiện tại, trên toàn tỉnh Thái Bình vẫn đang có mưa vừa, tại một số nơi có mưa to. Tuy nhiên, lượng mưa không còn lớn như lúc sáng và trưa nay. Do sau bão thường có mưa lớn, cho nên hiện nay công việc tháo, bơm kiệt nước đồng, khơi thông dòng chảy đang được các cấp chính quyền tỉnh Thái Bình khẩn trương thực hiện.

Cán bộ chiến sỹ Ban chỉ huy quân sự huyện Tiền Hải dọn lục bình khơi thông dòng chảy (Ảnh: Phi Long)

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình yêu cầu các địa phương tập trung tiêu nước triệt để trên mặt ruộng và các trục sông tiêu, đề phòng mưa lớn gây ngập úng lúa, hoa màu. Các địa phương trong huyện cần huy động các lực lượng khơi thông dòng chảy bảo đảm tiêu nước nhanh cho các vùng trũng có nguy cơ ngập úng, bảo đảm phương án vận hành các hệ thống thủy lợi sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống  xảy ra....

Nam Định: Hệ thống đê kè đang bị đe dọa nghiêm trọng

Theo thống kê ban đầu, thiệt hại do bão số 3 là không đáng kể. Tuy nhiên, hệ thống đê kè của tỉnh này đang bị đe dọa nghiêm trọng, khi sau bão số 1 và một phần ảnh hưởng của bão số 3, Nam Định có tới 24 đoạn đê, kè bị sạt lở nặng.

Sẵn sàng ứng phó với hoàn lưu sau bão số 3 tại Nam Định

Đối phó với bão số 3, đến đầu giờ chiều nay, việc xử lý tạm thời tại 24 đoạn đê, kè bị sạt lở từ cơn bão số 1 đã được tỉnh Nam Định hoàn thành. 

Gia cố đê...

Cùng với nỗ lo về khắc phục sự cố đê, kè, tỉnh Nam Định đang lo ngại hoàn lưu sau bão số 3 có thể ảnh hưởng, gây ngập úng đối với 78.800 ha lúa mùa vừa hồi phục sau bão số 1 được ít ngày. Tuy nhiên, từ hôm qua đến nay, các lực lược phòng chống lụt bão trong tỉnh đã sẵn sàng với các tình huống có thể xảy ra, trong đó, lực lượng vũ trang đang sẵn sàng giúp đỡ người dân địa phương khắc phục hậu quả sau bão./.