Doanh thu toàn ngành ước đạt xấp xỉ 3,9 triệu tỷ đồng
Tại hội nghị Tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 diễn ra sáng 18/12, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Phạm Đức Long cho biết, năm 2022, doanh thu toàn ngành thông tin và truyền thông ước đạt khoảng 3,9 triệu tỷ đồng, tăng 12,7% so với năm 2021 và gấp 1,5 lần so với dự báo tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 của cả nước. Nộp ngân sách nhà nước ước đạt khoảng 99.000 tỷ đồng, tăng 24,7% so với năm 2021.
Tổng số lao động toàn ngành năm 2022 là 1,5 triệu lao động, tăng 5% so với năm 2021. Năng suất lao động ngành (tính theo đóng góp vào GDP) ước đạt khoảng 648 triệu đồng, tốc độ tăng năng suất lao động là 6,7% so với năm 2021.
Trong lĩnh vực kinh tế số và xã hội số, đóng góp của kinh tế số cho GDP năm 2022 ước đạt tỷ trọng khoảng 14,26% , trong đó, kinh tế số công nghệ thông tin (ICT) đóng góp khoảng 7,18%.
Doanh thu từ lĩnh vực công nghiệp ICT năm 2022 ước đạt 148 tỷ USD, tăng trưởng 8,7% so với năm 2021, đạt kế hoạch đề ra năm 2022.
Đáng chú ý, đóng góp vào GDP của lĩnh vực công nghiệp ICT năm 2022 ước đạt 34.336 triệu USD, tăng trưởng 8,7% so với năm 2021. Số lượng doanh nghiệp công nghệ số đăng ký năm 2022 ước đạt 70.000 doanh nghiệp, tăng 9,5% so với năm 2021.
500 triệu tài khoản sử dụng các nền tảng số Việt Nam
Theo Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, năm 2022 là năm tổng tiến công về chuyển đổi số. Chuyển đổi số số đã trở thành toàn dân và toàn diện. Tất cả các bộ, ngành, địa phương đã ban hành chương trình chuyển đổi số; 500 triệu tài khoản sử dụng các nền tảng số Việt Nam là con số lớn chưa từng có. Các giao dịch về kết nối chia sẻ dữ liệu đang tăng dần; các tổ công nghệ số cộng đồng tại các thôn bản đã được thành lập và đi vào hoạt động.
“Năm 2022 cũng là năm các doanh nghiệp công nghiệp số Việt Nam tấn công mạnh mẽ thị trường nước ngoài. Không bước ra thế giới, không cạnh tranh, chinh phục và có doanh thu từ thị trường nước ngoài, Việt Nam không thể trở thành nước phát triển có thu nhập cao”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.
Năm 2023 là năm về dữ liệu
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, năm 2023 tới sẽ là năm về dữ liệu, tập trung công bố và xây dựng cơ sở dữ liệu các bộ, ngành và địa phương, mở dữ liệu để kết nối chia sẻ và an toàn dữ liệu.
“Bộ TT&TT quyết tâm tạo ra sự thay đổi cơ bản về dữ liệu Việt Nam nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số. Bên cạnh đó, Bộ TT&TT cũng tập trung triển khai các chiến lược được ban hành, ban hành các hướng dẫn thực thi chiến lược, tiến hành đo lường và công bố công khai các chỉ tiêu chiến lược... hạn chế việc chiến lược làm ra sẽ chỉ “nằm trong ngăn kéo”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết trong năm 2023, Bộ TT&TT sẽ tập trung vào các kết quả thực chất, như về bưu chính sẽ đo lường và kiểm soát chất lượng dịch vụ; về viễn thông sẽ giải quyết triệt để sim rác và thương mại hoá 5G; về dịch vụ công trực tuyến sẽ nâng cao tỷ lệ hồ sơ thực sự được xử lý trực tuyến; về chuyển đổi số, nâng số lượng tài khoản sử dụng các nền tảng số Việt Nam lên ít nhất 50%; về công nghiệp công nghệ số, xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ về các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, tạo ra sự cộng hưởng trong nước và lan ra nước ngoài.
Công tác báo chí xuất bản và truyền thông sẽ tập trung vào sự tuân thủ luật pháp Việt Nam của các nền tảng xuyên biên giới, giải quyết các vấn đề tư nhân hoá báo chí hay báo hoá trang tin, mạng xã hội.
Năm 2023, sau 3 năm Covid-19, Bộ TT&TT sẽ mở chiến dịch hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số đi ra nước ngoài, mang tri thức, công nghệ Việt Nam đi “mở cõi”.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, 10 năm tới sẽ là những chuyển dịch quan trọng từ công nghệ thông tin sang công nghệ số, từ ứng dụng công nghệ thông tin sang chuyển đổi số và nhất là từ gia công phần mềm sang “Make in Việt Nam”.
Dịp này, Bộ TT&TT vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất./.