Song Tử Tây rộn ràng đón Xuân

Đảo Song Tử Tây là điểm dừng chân đầu tiên của con tàu KN 571 đưa đoàn công tác đến thăm huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa). Sau 2 ngày vượt qua những cơn sóng lừng cao đến 4-5 mét, Song Tử Tây hiện lên trước mắt một màu xanh bao phủ. Cuối năm, gió Đông Bắc thổi mạnh khiến việc vào đảo gặp nhiều khó khăn, nhưng nhìn những cánh tay vẫy trên cầu cảng, bao mệt mỏi như tan biến...

Song Tử Tây là hòn đảo cao nhất trong quần đảo Trường Sa, nơi có những công trình đặc biệt: Bia chủ quyền quần đảo Trường Sa được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia, là bằng chứng đanh thép khẳng định chủ quyền quốc gia của Việt Nam tại Biển Đông; Cây phong ba cổ thụ trên đảo được công nhận là cây di sản Việt Nam với ý nghĩa như "cột mốc xanh" về chủ quyền biển đảo; Trạm quan trắc khí tượng hải văn Song Tử Tây - một trong 2 trạm khí tượng hải văn trên quần đảo Trường Sa, làm nhiệm vụ dự báo thời tiết hàng ngày; Tượng đài Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn; chùa Song Tử Tây sừng sững hướng ra Biển Đông; Ngọn Hải đăng được ví như "mắt thần" đánh dấu tọa độ, làm điểm tựa cho ngư dân Việt Nam khi ra biển khai thác, đánh bắt hải sản...

Song Tử Tây xanh mát với những rặng cây cây kiên cường trước sóng gió như phong ba, bàng vuông và cây tra. Ngắm nhìn khuôn viên trên đảo được quy hoạch gọn gàng, mọi con đường luôn sạch sẽ, cây cối mơn mởn... sẽ hiểu được những người lính hải quân yêu đảo đến nhường nào và không khó để cảm nhận "Mùa Xuân" nơi đảo xa, dù nơi đây không rực mà đào, quất...

Trung tá Đặng Văn Tài, Chính trị viên phó đảo Song Tử Tây cho biết đây là năm thứ 2 anh đón Tết ở đảo. Đảo tuy xa đất liền nhưng luôn trong trái tim của hậu phương, của gia đình và nhân dân trong bờ. Dù xa xôi cách trở nhưng Tết ở ngoài đảo vẫn đủ đầy hơi ấm từ đất liền gửi ra. Những chậu quất, đào xinh xinh vượt trùng khơi lên đảo vẫn xanh mướt và rực rỡ nở hoa. Và còn rất nhiều món quà nhỏ thôi nhưng chứa chan bao tình cảm của người dân đất liền gửi tới đảo xa. Với Trung tá Đặng Văn Tài. dù phải xa gia đình nhưng đón Tết ở đảo và vinh dự và cũng là nghĩa vụ thiêng liêng của 1 quân nhân. Anh phấn chấn bảo, cán bộ, chiến sĩ ở đảo thường đón Tết sớm hơn ở đất liền cả 1 tháng bởi sự có mặt của đoàn công tác đến từ đất liền. Đây cũng là thời điểm cán bộ, chiến sĩ cũng như nhân dân rộn ràng nhất. 

Chuyến tàu vượt sóng gió, đong đầy chở bao tình cảm và những món quà mang đậm hương vị đất liền. nào quất, đào, mai, lá dong, gạo nếp… đến với cán bộ, chiến sĩ đảo Song Tử Tây nói chung và các đảo trên quần đảo Trường Sa nói riêng. Thượng tá Nguyễn Văn Thọ, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân cho biết: Mỗi năm Tết đến, xuân về, không riêng gì lãnh đạo, chỉ huy của Lữ đoàn 146 nói riêng mà Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Vùng, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân chủng và các lãnh đạo tỉnh, thành phố và Trung ương luôn luôn quan tâm hướng về Trường Sa chuẩn bị tốt mọi cơ sở vật chất, tinh thần, để tổ chức những chuyến tàu ra đảo đảm đầy đủ và tốt đẹp nhất cho cán bộ, chiến sĩ, tạo được niềm tin cho mọi người dân.

Để chuẩn bị tốt hàng hóa phục vụ cho ngày Tết của cán bộ, chiến sĩ Trường Sa với đặc thù là đóng quân xa đất liền và trên một môi trường biển khắc nghiệt, sóng và gió, thì công tác chuẩn bị phải trước Tết một thời gian, tùy theo từng mặt hàng để chuẩn bị. Những mặt hàng khô thì chuẩn bị trước, những mặt hàng tươi như rau củ, quả thì chuẩn bị sau. Đặc thù như là lá dong để gói bánh chưng thì cũng sát ngày mới mua và chuyển xuống tàu, để ra đến đảo lá vẫn còn xanh. Ngoài ra, các mặt hàng Tết như bánh kẹo, quà của các tỉnh, thành phố và đồng bào bào đất liền dành gửi tặng Trường Sa thì đều được phân bổ, gửi  tận tay cho cán bộ, chiến sĩ để họ cảm nhận được tình cảm quê hương dành cho mình. Những món quà tuy nhỏ nhưng cũng tiếp thêm nghị lực, niềm tin để người lính yên tâm công tác, thấy đây là vinh dự và trách nhiệm của một cuộc đời người chiến sĩ khi được một lần làm nhiệm vụ ở quần đảo Trường Sa. Thượng tá Nguyễn Văn Thọ, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân cho hay.

Trước Tết 1 tuần mọi người trên đảo cùng nhau bắt tay vào việc tổng dọn vệ sinh, vườn tược, nhà cửa, các con đường, trang trí cờ hoa, bày biện bàn thờ Bác Hồ, sắp xếp cây quất, cành đào. Cán bộ chiến sĩ và người dân cùng nhau gói bánh chưng, bánh tét và cả giò thủ, giò nạc... ai cũng hơn hở, nét mặt rạng ngời hạnh phúc.

Điều khác biệt ở ngoài đảo chắc không ở nơi nào có đó chính là bánh chưng được gói bằng lá bàng vuông. Lá bàng vuông được chọn tỉ mỉ, phải to, xanh mướt. lá bàng vuông đem lại cho vỏ bánh chưng 1 màu xanh rất đẹp mắt. Hương vị của bánh cũng đặc biệt chan chát, nồng nồng, mặn mặn của biển hòa quyện với hương gạo nếp, đậu xanh, thịt heo ba chỉ… tạo nên một mùi thơm không lẫn vào đâu được. Chị Nguyễn Thị Châu Úc, 1 hộ dân trên đảo cho hay, “Ở đất liền không ai gói bằng bằng lá bàng vuông cả, Không phải ngoài đảo không có lá dong mà vì lá khi chuyển từ đất liền đến đảo không còn tươi, vì thế lá bàng vuông được lót vào trong để bánh có màu xanh đẹp, còn lớp ngoài gói bằng là dong. Dù cán bộ, chiến sĩ và cả người dân đều xa gia đình nhưng tình đoàn kết quân và dân trên đảo khiến chúng tôi vơi bớt nỗi nhớ nhà. Đây cũng là cơ hội để chúng tôi thấu hiểu, yêu người lính, yêu đảo, yêu biển hơn. Thực sự đón Tết ở đảo, là một vinh dự, mà bất cứ người dân Việt Nam nào cũng muốn được hòa mình vào không khí Tết ở đây 1 lần trong đời”.

Hậu phương điểm tựa vững chắc của người lính

Tết ở Trường Sa không có rượu, bia, không khói thuốc lá, không có pháo hoa mừng đón giao thừa nhưng luôn tươi vui và ấm áp bởi tình đồng đội, tình quân dân gắn bó keo sơn. Tiết mục được mong chờ nhất trong đêm giao thừa là chương trình hái hoa dân chủ, giao lưu văn nghệ giữa cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo. Trong không gian hội trường ấm cùng, mọi người cùng hát bài ca kết đoàn, cùng thể hiện quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Trung tá Đào Xuân Nam, Chỉ huy trưởng đảo Song Tử Tây cho hay: "Thời khắc thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, nhà nhà sum họp đầm ấm, còn chúng tôi, những cán bộ chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ngoài đảo thì hướng về gia đình. Bởi đó là điểm tựa giúp chúng tôi vững vàng, yên tâm công tác. Chính vì thế mà giao thừa ở đảo cũng rất đặc biệt, anh em đồng đội yêu thương nhau hơn, chia ngọt sẻ bùi. Sau khi nghe Chủ tịch nước chúc Tết, chúng tôi ngồi hàn huyên về chuyện gia đình, con cái nhưng không quên nhắc nhở và chúc nhau luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ".

Anh Nam kể, năm mới Tết đến ai cũng muốn được ở bên gia đình nhưng người lính còn có nhiệm vụ cao cả hơn đó là Tổ quốc. Vì vậy bố mẹ, vợ con anh ở Quảng Yên, Quảng Ninh đều thông cảm và luôn động viên anh chú tâm cho công việc. Ở nhà thiếu bàn tay người đàn ông nhưng còn có họ hàng xung quanh nên anh Nam cũng yên tâm phần nào. Sau khi xong nhiệm vụ, cuộc điện thoại đầu tiên anh dành cho vợ con. Những lời chúc giản dị mộc mạc, chân thành của người lính dù năm nào cũng vậy nhưng vợ con anh đều thấu hiếu. Anh Nam kể tôi thích nhất câu nói của vợ tôi “Bố nó cứ yên tâm công tác, quan tâm anh em đồng đội và nhớ chăm sóc bản thân tốt. Được nghỉ phép về vợ con sẽ chăm sóc bồi bổ cho béo lên mấy cân nhìn sẽ đẹp trai hơn”. Chỉ đơn giản thế thôi nhưng cả vợ và anh đều hiểu, cuộc sống gia đình không ở cạnh nhau vất vả đấy nhưng mỗi người đều có lý tưởng, có ước mơ riêng nên sẽ luôn là điểm tựa vững chắc cho nhau để cả 2 cùng hoàn thành tốt công việc của mình.

Còn với Thượng Tá Nguyễn Văn Khương, Chính trị viên đảo Song Tử Tây cho hay, cuộc đời binh nghiệp được gắn bó với Song Tử Tây là đảo thứ 5 và vinh dự đều được đón Tết ở cả 5 đảo. Với  mỗi dịp đón Tết xa nhà, tuy tâm tư tình cảm hướng về gia đình, có nỗi nhớ vợ, nhớ con, nhớ quê hương nhưng tất cả vì sự nghiệp bảo vệ tổ quốc, anh và đồng đội có lập trường kiên định, vững vàng hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Thời điểm giao thừa là thời khắc thiêng liêng, ngoài nhiệm vụ công tác trên đảo, tôi gọi điện chúc vợ con, gia đình, bố mẹ, anh chị em ở nhà luôn được mạnh khỏe, có Tết vui vẻ, đầm ấm, an lành, ấm no, hạnh phúc. Ngoài gọi điện, Thượng tá Nguyễn Văn Khương còn có một sở thích viết thư tay về cho vợ con. Anh Khương bảo, dù gọi điện nói được trực tiếp với nhau những lời muốn nói nhưng viết thư cũng có những cảm xúc riêng. Lúc một mình đối diện với trang giấy trắng, bao tâm tư tình cảm lại ùa về và được anh gửi gắm nắn nót qua từng con chữ. Viết thư tay cũng là để khắc ghi lưu giữ lại kỷ niệm quãng thời gian anh công tác tại quần đảo Trường Sa, đó cũng là lời nhắc nhở anh về nhiệm vụ cao quý mà anh ước mơ từ ngày còn ngồi trên ghế nhà trường. Lá Thư với tôi cũng là món quà ý nghĩa gửi về cho vợ con để gia đình cảm nhận được không khí đón Tết ở đảo xa, thấu hiểu được tâm tư tình cảm của 1 người chồng, người cha đang ở xa nhà.

Với mỗi chiến sĩ trẻ lần đầu đón Tết xa nhà quả thực là kỷ niệm khó quên. Trong hành trang mang theo ra đảo của mỗi người lính là hình ảnh quê nhà, ba mẹ, người thân. Đó chính là động lực tiếp thêm sức mạnh giúp người lính kiên cường hơn với nhiệm vụ nơi đảo xa. Chiến sĩ Hà Quang Huy, quê Khánh Hòa tâm sự, tuổi trẻ cần phải trải nghiệm và được rèn luyện. Trước ở nhà Tết Huy sẽ đi chơi với bạn bè, mọi việc trong nhà được bố mẹ lo chu đáo. Lần đầu đón Tết xa nhà ở vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, Huy tự hảo về điều đó và Tết này ở nơi đảo xa, Huy muốn gửi tới bố mẹ và bạn bè và anh chị ở nhà là bố mẹ hãy yên tâm vì ngoài đây có cấp trên và chỉ huy và cùng đồng chí, đồng đội giúp đỡ rất nhiều. Chiến sĩ trẻ Hà Quang Huy mong ở nhà bố mẹ yên tâm sau hai năm thực hiện nghĩa vụ, thực hiện tốt nhiệm vụ của quân đội thì sẽ trở về báo công với bố mẹ.

Với những cán bộ, chiến sĩ như anh Nam, anh Khương, anh Tài và rất nhiều cán bộ, chiến sĩ đang đóng quân trên quần đảo Trường Sa đều hiểu rằng, tâm tư tình mỗi người lính có hướng về gia đình, có nỗi nhớ vợ, nhớ con, nhớ quê hương nhưng luôn ý thức trách nhiệm sâu sắc, duy trì nghiêm công tác sẵn sàng chiến đấu, vui xuân mới không quên nhiệm vụ, vững tay súng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Bởi Tổ quốc trong mỗi trái tim triệu triệu người Việt là tổ ấm, là cha, là mẹ, là chính bản thân. Tổ quốc hiện diện ở câu nói mỗi ngày: “Tôi là người Việt Nam”.