Đến chiều 17/10, mực nước từ sông Vu Gia đã tràn qua đường tỉnh 609, xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam khiến giao thông lên các xã Đại Hưng, Đại Lãnh, Đại Sơn, huyện Đại Lộc bị ách tắc. Nhiều ngôi nhà ở huyện này bị nước lũ bủa vây. Đây là lần thứ 4 trong tháng 10, nước lũ tràn vào khu dân cư gây ngập nhà cửa, hư hại nhiều hoa màu, cây cối. Do chủ động nên người dân đã di dời đồ đạc lên cao, tìm nơi cao ráo để tránh lũ.
Tại huyện Duy Xuyên, nước sông Thu Bồn dâng cao gây ngập nhiều nơi. Ông Lê Văn Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cho biết, con đường dẫn vào thôn Lệ Bắc đang bị ngập sâu, cô lập 274 hộ dân hơn 600 nhân khẩu. Nước chảy rất xiết, chính quyền địa phương tổ chức phục vụ người dân qua lại bằng thuyền máy.
“Phương án đảm bảo cho nhân dân an toàn trong việc đi lại thì UBND cũng hợp đồng thuê một chiếc ca nô trên địa bàn để mà khi có nước lũ xuống thì sẽ vận chuyển bà con qua lại đảm bảo an toàn”, ông Hưng cho hay.
Tại huyện miền núi Tây Giang khi chưa khắc phục xong thiệt hại từ trận lũ quét và bão số 5, nay tiếp tục chịu thiệt hại nặng do ảnh hưởng của cơn bão số 6 và các đợt mưa lớn. Trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện và Đường tỉnh 606 từ trung tâm huyện Tây Giang lên xã A Xan có hàng chục điểm sạt lở. Nhiều đoạn lên các xã biên giới bị sạt lở taluy dương, đất đá tràn qua mặt đường nên phải mất nhiều thời gian mới thông xe bước 1. Huyện Tây Giang đã huy động 11 đơn vị thi công với trên 100 phương tiện khẩn trương khắc phục sạt lở. Ông Lê Hoàng Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết, việc triển khai gặp nhiều khó khăn do trời mưa lớn, nhiều điểm sạt lở trở lại với khối lượng lớn.
“Hiện nay mưa nhiều sẽ chậm tiến độ và cứ khắc phục xong thì mưa đất đá lại sạt lở xuống gây ách tắc giao thông. Đây là một trong những khó khăn cho công tác khắc phục sạt lở. Nhận định thì sắp tới mưa ở cường độ lớn, kéo dài thì sạt lở đường giao thông lên các xã vùng cao thì vấn đề hết sức phức tạp. Tuy nhiên về phía huyện phải đảm bảo phương án “4 tại chỗ” và đảm bảo an toàn cho người dân”, ông Linh chia sẻ.
Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện nước các dòng sông bắt đầu lên, tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các địa phương tiếp tục chủ động phương châm “4 tại chỗ”, đồng thời liên tục thông tin đến người dân việc phòng chống khi nước lũ lên cao, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra trong mưa lũ.
“Chúng tôi có quy trình điều hành liên hồ thủy điện làm sao đó cho mực nước hạ du giữ vững độ an toàn. An toàn cho việc ngập lụt để người dân đỡ thiệt hại về kinh tế cũng như môi trường sống của người dân. Đảm bảo an toàn hồ đập mà việc điều hành liên hồ nó phải theo thời gian cấp tốc cỡ 30 phút chúng tôi có nhận định và điều chỉnh một lần", ông Bửu thông tin./.