Sau đại hạn và xâm nhập mặn hiện nay tỉnh Sóc Trăng tiếp tục hứng chịu thời tiết mưa dông, lốc xoáy, triều cường gây ảnh hưởng nặng nề đến đời sống và tình hình sản xuất của người dân.
Theo thống kê, đã có nhiều diện tích lúa, hoa màu và nhà cửa người dân bị ảnh hưởng và thiệt hại. Hiện tỉnh đang triển khai các giải pháp, biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ bà con sớm khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống và tái sản xuất.
Do đặc điểm địa lý là vùng trũng, thấp, thị xã Ngã Năm là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng mưa dầm, gây ngập úng. Chỉ trong 2 tuần qua, diện tích lúa bị ngập úng tại thị xã lên tới 1.500ha, tập trung chủ yếu là diện tích vừa được gieo sạ.
Ông Lê Thanh Trong, ở Phường 3, một trong những hộ bị thiệt hại nặng diện tích lúa hè thu do ngập úng than thở, thời tiết năm nay mưa quá. Sạ chết rồi sạ lại cũng chết hết. Thiệt hại hết 10 công sau hè này, chết hết rồi sạ lại, chi phí tốn mỗi công cũng cả triệu bạc rồi, vì đã rải phân rồi nó mới chết.
Hiện nay bà con tại thị xã Ngã Năm đang khẩn trương bơm nước ra để cứu lúa bị ngập. Tuy nhiên, việc bơm nước rất khó khăn và tốn kém khi mà mực nước tại các kênh thủy lợi cao hơn từ 20 – 30cm so với mực nước tại đồng ruộng.
Ngành chức năng địa phương đang chỉ đạo mở các cống đập để tiêu thoát nước, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất do ngập úng.
Ông Nguyễn Quốc Trãi, Chủ tịch UBND phường 3 cho biết, qua thống kê, phường có 1.000 ha lúa hè thu vừa gieo sạ bị ảnh hưởng và thiệt hại; khả năng sẽ còn tăng cao nếu thời tiết vẫn diễn biến xấu như hiện nay. “Chúng tôi đang tập trung vận động người dân, nhất là trong những khu vực được khép kín bởi các đê bao lớn, hùn tiền nhau mua dầu và đặt máy bơm cá nhân và các máy bơm từ vốn dự án hỗ trợ phát triển sản xuất bơm ra. Trong quá trình bơm các hộ dân cũng rất là đồng tình. Đến thời điểm này một số khu vực đang được bà con bơm ra để cứu các diện tích mà nay chưa bị ngập úng”.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sóc Trăng, tính từ đầu mùa mưa đến nay đã có 159 căn nhà bị hư hại do lốc xoáy gây ra; trong đó có 42 căn bị sập hoàn toàn, một người thiệt mạng do nhà sập đè lên.
Ngoài ra, những trận mưa lớn liên tiếp kết hợp triều cường cũng làm sạt lở nhiều đoạn bờ sông tại huyện Kế Sách và thị xã Vĩnh Châu, cùng nhiều công trình giao thông, điện lưới, ống nước bị hư hỏng… Ngay sau khi thiên tai xảy ra, Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã phối hợp cùng các địa phương huy động tổng lực nguồn lực khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai. Cùng với đó, nhanh chóng hỗ trợ và giúp người dân dựng lại nhà cửa để sớm ổn định chỗ ở.
Ông Nguyễn Thanh Nhanh, Trưởng Phòng Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai, Chi cục Thủy lợi Sóc Trăng cho biết thêm, trong thời gian tới Chi cục Thủy lợi kết hợp với các địa phương dự báo tình hình trong mùa mưa bão 6 tháng cuối năm.
Theo dõi thông tin khí tượng thủy văn, thời tiết. Văn phòng Chi cục cũng sẽ đến các địa phương để địa phương nắm, chủ động sẵn sàng khi có tình huống thiên tai xảy ra.
Riêng đối với tình hình đánh bắt trên biển, hiện Chi cục Thủy sản tỉnh cùng các ngành hữu quan phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng thường xuyên tiến hành kiểm đếm tàu thuyền hoạt động đánh bắt; theo dõi thường xuyên áp thấp, bão, đồng thời kịp thời thông báo các chủ phương tiện về vị trí của áp thấp và bão nếu có. Quản lý việc ra khơi của các tàu thuyền và giữ thông tin liên lạc với chủ tàu thuyền để kịp thời xử lý các tình huống xấu xảy ra.
Trong khi đó, UBND huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang cho biết: mưa to kèm theo dông gió đêm 27/6 đã làm 15 căn nhà ở các xã An Thái Đông và Mỹ Lợi A bị sập và tốc mái. Sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền và đoàn thể địa phương đã đến thăm hỏi, động viên, chia sẻ những khó khăn đối với các hộ bị thiệt hại; đồng thời huy động lực lượng khắc phục.
Huyện cũng hỗ trợ 6 triệu đồng/hộ có nhà sập hoàn toàn, 3 triệu đồng cho hộ có nhà bị tốc mái trên 50%.
Trước đó, đêm 18/6, cơn lốc xoáy đi qua địa bàn 8 xã ở Cái Bè đã làm gần 300 căn nhà của người dân bị sập và tốc mái; trong đó, có 46 căn bị sập hoàn toàn, số còn lại bị tốc mái từ 50% đến 70%; gần 200 ha cây ăn trái, rau màu bị hư hại, đổ ngã. Tổng thiệt hại do 2 đợt thiên tai gây ra lên đến hàng chục tỷ đồng./.