Với diện tích 7.100ha, Vườn quốc gia Xuân Thủy (huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Ðịnh) là nơi lưu trú của nhiều loài động, thực vật hoang dã và các loài chim di cư quý hiếm, trong đó nhiều loài chim nước nằm trong sách đỏ quốc tế như: Cò mỏ thìa, vịt đầu đen, bồ nông chân xám... Tuy nhiên nhiều diện tích rừng ngập mặn thuộc vùng đệm ở đây đang bị chết do sự tác động của con người.
Ông Phùng Văn Nhân - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định cho biết, việc quản lý rừng ngặp mặn ở Vườn quốc gia Xuân Thủy đang gặp rất nhiều khó khăn.
Ở khu vực rừng đệm, trong quá trình cải tạo đầm, bãi để nuôi thủy sản, người dân đã làm chất thải, bùn lầy tràn ra khu vực rừng liền kề khiến rừng ngập mặn như sú, vẹt bị chết.
Hiện, Ủy ban nhân dân huyện Giao Thủy đang lập dự án đo lại toàn bộ diện tích từng đầm và cây rừng.
Khi tiến hành cho thuê đất, người dân phải cam kết đảm bảo yêu cầu bảo vệ rừng và nuôi trồng thủy sản không ảnh hưởng đến môi trường sinh thái./.