Hội thảo diễn ra tại Hà Nội sáng 29/11, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức. Hàng trăm đại biểu là đại diện các Đại sứ quán, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam và các chuyên gia kinh tế, tài nguyên, môi trường trong và ngoài nước tham dự.
Chiến lược Tăng trưởng xanh của Việt Nam sẽ được thực hiện từ 2011- 2030 và tầm nhìn 2050. Chiến lược này là quá trình tái cơ cấu nền kinh tế để tiến tới việc sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính thông qua nghiên cứu và áp dụng công nghệ hiện đại; phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng để nâng cao hiệu quả nền kinh tế, ứng phó với BĐKH, góp phần xóa đói giảm nghèo, và tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững.
Các đại biểu tại Hội thảo |
Dự án nhằm 3 mục tiêu: Giảm phát thải hiệu ứng nhà kính; Xanh hóa sản xuất; Xanh hóa lối sống và tiêu dùng. Các mục tiêu này được triển khai với các chỉ số định lượng như: Tiết kiệm năng lượng; Phát triển năng lượng tái tạo; Trồng rừng; Sản xuất sạch hơn và Phát triển cơ sở hạ tầng.
Trong đó, chỉ số cụ thể là: Giảm lượng phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng từ 10% - 20% cho giai đoạn 2011-2020 và từ 35% - 45% cho giai đoạn 2020 – 2030; Cải thiện hiệu suất và hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm mức tiêu hao năng lượng trong mọi hoạt động sản xuất, vận tải, thương mại; Đẩy mạnh khai thác có hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo và năng lượng mới; Phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững.
Về mục tiêu Xanh hóa sản xuất, sẽ tiếp cận đến các chỉ số: Giá trị sản phẩm các ngành công nghệ cao trong GDP đạt khoảng 42%-45% (2010-2020) và 80% (2020-2030); 100% các cơ sở sản xuất kinh doanh mới thành lập phải áp dụng công nghệ sạch hoặc trang bị các thiết bị giảm ô nhiễm, xử lý chất thải; Sắp xếp lại cơ cấu, đặc biệt hạn chế phát triển những ngành kinh tế phát sinh chất thải lớn, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường; Sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên; Thúc đẩy các ngành kinh tế xanh phát triển nhanh; Phát triển kết cấu hạ tầng bền vững; Đổi mới công nghệ, áp dụng phổ biến sản xuất sạch hơn.
Còn về mục tiêu Xanh hóa đời sống, Dự án hướng đến phát triển đô thị bền vững (gồm quy hoạch đô thị, hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường, xây dựng đô thị sinh thái). Đặc biệt là phải xây dựng nông thôn mới trên cơ sở quy hoạch lại cho nông thôn thân thiện với môi trường, cung cấp nước sạch, sử dụng năng lượng tái tạo trong sinh hoạt, xử lý 100% rác thải sinh hoạt.
Đồng thời, phải thúc đẩy tiêu dùng bền vững và xây dựng lối sống xanh thông qua thay đổi hành vi tiêu dùng của cả ba khu vực tiêu dùng trong xã hội: khu vực nhà nước, khu vực doanh nghiệp và khu vực dân cư.
Tuy nhiên, để thực hiện chiến lược, cần một khung tài chính/tài khóa xanh để xây dựng cơ chế hòa chung các nguồn tài chính khác nhau (hiện nay có các cơ chế khác nhau cho FDI, ODA, Carbon Off-sett); Giúp triển khai thực hiện cơ chế Đối tác Công – Tư (PPP) để hỗ trợ phát triển công nghệ sạch/các bon thấp.
Theo Thứ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Thế Phương, tăng trưởng xanh là vấn đề mới được triển khai ở Việt Nam, do đó trong quá trình thực hiện dự án, chúng ta vừa làm vừa học hỏi ở các nước đi trước để kế thừa thành quả và tránh vấp phải những sai lầm của họ. Để thực hiện tốt Chiến lược, cần sự nâng cao nhận thức và hành động thực tiễn từ các cấp chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và mỗi công dân./.