Dân số thành phố Nha Trang dao động trong khoảng 370.000 người, cộng thêm khoảng 5.000 cư dân sinh sống trên các đảo; ngoài ra mỗi năm, vịnh Nha Trang đón khoảng 1,2 triệu lượt khách du lịch. Dân số và du lịch phát triển, kéo theo lượng rác khổng lồ tấn công vịnh Nha Trang.

Theo thống kê của Ban quản lý Khu Bảo tồn biển vịnh Nha Trang, mỗi ngày có khoảng 10 tấn rác thải du lịch, cộng với rác thải sinh hoạt của dân cư trên 6 khóm đảo đổ xuống biển khoảng 1 tấn rác nữa. Hiện có khoảng 380 lồng với gần 9.000 bè nuôi tôm hùm trên vịnh Nha Trang, thải ra không biết cơ man thức ăn thừa, bên cạnh đó là chất thải từ vô số nhà vệ sinh không có hầm chứa trên mặt nước.

Vùng lõi Hòn Mun là khu vực cần bảo vệ nghiêm ngặt, tuy nhiên mùa du lịch cao điểm, mỗi ngày có khoảng 40 tàu thuyền du lịch cùng với 500-600 khách qua lại, lặn ngắm san hô và tắm biển. Để thực hiện việc mở rộng 1ha mặt đất, chủ đầu tư đã đổ xuống mặt biển hàng vạn m3 đất đá,  xây bờ kè, cầu cảng. Vì vậy, khoảng hơn 20ha rừng ngập mặn, cỏ biển, san hô... xung quanh đảo Hòn Tre đã và đang bị các nhà đầu tư chôn vùi không thương tiếc.

Một nghiên cứu mới đây của Viện Hải dương học Nha Trang đã cảnh báo: "Khối trầm tích xuất hiện trong vịnh Nha Trang theo chiều hướng gia tăng, vật chất lơ lửng trong nước biển cũng tăng nhanh”.

Nhiều nỗ lực làm sạch môi trường

Trước tình trạng vịnh Nha Trang bị ô nhiễm, tỉnh Khánh Hoà đã có nhiều cố gắng bảo vệ môi trường. Trước hết, Khánh Hoà chú trọng công tác tuyên truyền vận động người dân sống trên đảo, ven bờ chung tay bảo vệ môi trường biển, hạn chế vứt rác thải bừa bãi xuống biển, không chặt phá rừng ngập mặn. Hàng năm, các hoạt động bảo vệ môi trường biển như thả rùa về biển, bắt sam biển gai, một loài ăn san hô,  thu gom rác nhân ngày bảo vệ môi trường được đông đảo người dân tham gia. Trong những dịp Ngày Môi trường thế giới, Ngày Đa dạng sinh học thế giới, Ngày Lặn trái đất, tỉnh phát động người dân tham gia làm sạch biển để nâng cao ý thức người dân về bảo vệ môi trường biển.

Thu_gom_rac_thai_3.jpg

Thu gom rác thải trên vịnh

Ông Trương Kỉnh, Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển vịnh Nha Trang cho biết: “Chúng tôi có chương trình bảo vệ môi trường sinh thái biển cho con em sinh sống trên đảo, như: tổ chức ngoại khoá. Chúng tôi tuyên truyền người dân phân loại rác thải để người dân biết được ảnh hưởng của rác thải đối với môi trường biển”.

Bắt đầu từ năm 2007, UBND tỉnh Khánh Hoà giao Ban quản lý Khu Bảo tồn biển vịnh Nha Trang phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai thực hiện  phương án thu gom, vận chuyển rác trong vịnh Nha Trang. Kinh phí đầu tư ban đầu cho phương án này khoảng 500 triệu đồng gồm các hạng mục như: xây dựng hầm xử lý rác, thùng đựng rác, tập huấn phân loại rác; thuê tàu vận chuyển, hợp đồng lao động, mua thiết bị, dụng cụ… phục vụ cho công tác vận chuyển rác vào đất liền.

Sau 1 năm thực hiện, phương án thu gom, vận chuyển rác trong vịnh Nha Trang ban đầu đã đạt được hiệu quả nhất định. Đến nay, các đơn vị liên quan đã thu gom hơn 1.500 tấn rác thải tại vịnh Nha Trang, trong đó lượng rác thu được chủ yếu tại các lồng, bè (khoảng 800 tấn), số rác còn lại thu được từ các khu dân cư trên đảo. Hiện nay, lượng rác được thu gom hàng ngày từ 4 - 5 tấn, cao điểm lên đến 7 tấn. Hoạt động thu gom rác đã giúp giảm áp lực ô nhiễm trên vùng biển vịnh Nha Trang. Nhờ đó, tại nơi công cộng trên các đảo, mặt nước biển đã phần nào sạch, đẹp hơn. Qua hoạt động thu gom rác trên vịnh Nha Trang, ý thức bảo vệ môi trường biển của người dân cũng được nâng cao.

Bà Nguyễn Thị Gái, người dân phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang cho biết, người dân ở đây không còn thói quen vứt rác thải xuống biển nữa mà thu gom lại, chờ tàu đến chở đi. Bà con cũng thường xuyên nhắc nhở con em mình không xả rác bừa bãi.

Các biện pháp khoa học phục hồi hệ sinh thái, bảo vệ môi trường biển vịnh Nha Trang cũng được đẩy mạnh. Riêng Viện Hải dương học Nha Trang có những nghiên cứu giúp phát triển vịnh Nha Trang, có những biện pháp công nghệ như phục hồi hệ sinh thái rạn san hô, nuôi trồng mới rạn san hô.

Phó Giáo sư-TSKH Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, hiện là Chủ tịch Ủy ban Hải dương học Việt Nam cho biết,  Viện đã có những nghiên cứu thực hiện 1 số công nghệ phục hồi cảnh quan vịnh Nha Trang, đặc biệt 2004-2006 nghiên cứu nuôi trồng hệ san hô, ngoài ra còn nuôi một số sinh vật biển sống trong hệ san hô như cá khoang..

Tuy nhiên việc bảo vệ môi trường biển vịnh Nha Trang vẫn còn nhiều hạn chế. Hiện nay, hàng ngàn lồng bè nuôi thủy sản trên vịnh xả ra hàng tấn rác thải mỗi ngày nhưng người nuôi trồng thuỷ sản chưa nộp phí thu gom rác, kinh phí cho việc bảo vệ môi trường hạn chế, quy hoạch phát triển nuôi trồng thuỷ sản, phát triển du lịch không theo kịp thực tế./.