Bức xúc trước tình trang ô nhiễm kéo dài, từ chiều 6 đến sáng 7/3, hàng chục hộ dân ở phường Hương Văn, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế sinh sống quanh khu vực Nhà máy Xi măng Luks Văn Xá, một lần nữa tụ tập trước cổng nhà máy ngăn không cho công nhân vào làm việc.

xi-mang-3.jpg
Người dân tụ tập phản đối trước cổng nhà máy xi măng

Bà Trần Thị Vân, ở tổ 11 phường Hương Văn, thị xã Hương Trà, cho biết, tình trạng ô nhiễm kéo dài ở Nhà máy xi măng Luks Văn Xá kéo dài nhiều năm nay làm đảo lộn cuộc sống người dân ở đây, người dân đã kiến nghị nhiều lần đến nhà máy nhưng vẫn chưa được giải quyết.

“Nhà tôi sát vách tường nhà máy 15m, mỗi khi băng tải than hoạt động thì không ai ngủ được. Tiếng ồn gây nhức đầu, bụi làm ngạt mũi thở không được, con tôi giờ bị viêm phổi”, bà Vân bức xúc.

Không riêng gì bà Vân mà hàng chục hộ dân ở phường Hương Vân và Hương Văn, thị xã Hương Trà bức xúc vì nhà máy gây ô nhiễm kéo dài, "lập lờ" trong chuyện đền bù, nhiều hộ dân bị ảnh hưởng nặng chưa được di dời tái định cư mới.

Ông Phạm Văn Hy, Chủ tịch UBND phường Hương Văn, thị xã Hương Trà cho biết: “Tình trạng ô nhiễm môi trường đã lên tới mức báo động năm 2008, 2010, chính quyền và nhà máy đã có giải quyết bước đầu. Đến thời điểm hiện nay vấn đề ô nhiễm môi trường vẫn xảy ra. Trước đây nhà máy cũng đã quan tâm thu hút lao động xung quanh nhà máy, tuy nhiên từ khi thu gọn quy mô sản xuất, nhà máy thải loại nhân công, bà con bị mất công ăn việc làm”.

Lãnh đạo Nhà máy Xi măng Luks Văn Xá đối thoại với người dân

Sáng 7/3, lãnh đạo thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường vận động người dân mở cổng nhà máy, đồng thời tổ chức buổi đối thoại giữa người dân và lãnh đạo Nhà máy Xi măng Luks Văn Xá. Tuy nhiên, người dân đã không chấp nhận đối thoại vì phía công ty Luks mời người dân vào một phòng nhỏ đóng kín cửa, không cho báo chí vào dự. Đến 10h sáng nay, lãnh đạo Nhà máy Xi măng Luks Văn Xá chấp nhận cuộc đối thoại có sự chứng kiến của báo chí, lãnh đạo thị xã Hương Trà và đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường. Tại buổi đối thoại, lãnh đạo nhà máy hứa sẽ giải quyết về môi trường trong thời giam sớm nhất, và hỗ trợ di dời những hộ dân bị ảnh hưởng tới khu tái định cư chậm nhất trong tháng 7 tới. Đồng thời, bố trí công việc mới cho lao động mất việc ở dây chuyển sản xuất bao bì làm công việc phù hợp hơn./.