Bình Thuận được đánh giá là vùng có tiềm năng khoáng sản titan (cát đen) thuộc diện nhiều nhất nước ta. Tuy nhiên, việc cấp phép cho các doanh nghiệp khai thác tràn lan, thiếu kiểm tra đang để lại những hậu quả khó lường.
Hiện nay, riêng khu vực hai xã Hòa Thắng và Hồng Phong (huyện Bắc Bình) có đến 5 doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát đen. Ngoài ra còn có các điểm khai thác lớn hơn ở Tân Thành, Tân Thuận, Suối Nhum (huyện Hàm Thuận Nam); Tân Bình, Tân Hải (thị xã La Gi), Sơn Mỹ (Hàm Tân)...
Nhiều điểm khai thác ở sát biển nên đơn vị khai thác lấy ngay nước biển để lọc cát, thay cho nước ngọt vốn rất hiếm hoi. Theo người dân địa phương, mỗi một máy lọc cát phải sử dụng hàng nghìn m3 nước biển mỗi ngày. Đây cũng chính là nguyên nhân gây nên tình trạng nhiễm mặn ở các khu gần dân cư, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.
Ông Huỳnh Giác - Giám đốc Sở Tài Nguyên Môi trường Bình Thuận cho biết: “Đây là những dự án tận thu khoáng sản, sau khi tận thu xong sẽ trả lại cho các dự án du lịch. Về nguyên tắc, doanh nghiệp không được dùng nước biển để khai thác titan. Nếu doanh nghiệp vi phạm, Sở kiểm tra phát hiện được sẽ xử phạt nặng” (!)
Tại tỉnh Quảng Trị, 3 đơn vị được cấp phép khai thác titan ở vùng ven biển Gio Linh và Vĩnh Linh là Công ty Tín Đạt Thành, Thanh Tâm và Công ty Hiếu Giang lại có những vi phạm khác cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường.
Theo cam kết, sau khi khai thác xong, các đơn vị có trách nhiệm hoàn thổ, trồng cây phục hồi môi trường, nhưng trên thực tế nhiều nơi vẫn bị cày xới nham nhở, để lại những hố sâu hoắm, mưa xuống ngập đầy nước gây nguy hiểm cho người dân. Từ cuối năm 2009, Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Trị đã kiểm tra, nhắc nhở nhưng các đơn vị vẫn chưa thực hiện nghiêm túc.
Trong khi đó, tại tỉnh Bình Định, nạn khai thác đá granit vàng đang làm tan hoang các mỏ đá ở núi Hòn Chà (thành phố Quy Nhơn). Đá granit vàng là loại đá có giá trị kinh tế cao, được chọn để xây dựng các công trình quan trọng. Khác với Bình Thuận và Quảng Trị, nạn khai thác đá granit trái phép ở Bình Định chủ yếu là do người dân thiếu ý thức bảo vệ môi trường. Ước tính trong những năm gần đây, hàng chục ngàn m3 đá granit đã bị khai thác trái phép tại vùng núi này.
Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Định khẳng định, vùng núi Hòn Chà chưa được giao cho doanh nghiệp nào khai thác, và vẫn đang chị sự quản lý bởi Nhà nước. Sắp tới khu vực này sẽ triển khai xây dựng một dự án khu công nghiệp. Nạn khai thác đá trái phép chủ yếu do một số cư dân nhỏ lẻ thực hiện, tuy nhiên, vấn đề quản lý nhằm hạn chế tình trạng này lại đang gặp không ít khó khăn.
Ông Huỳnh Quang Vinh, Trưởng phòng Khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Định cho biết: “Khu vực núi Hòn Chà gắn với đời sống của người dân địa phương, họ làm đá chẻ để kiếm sống qua ngày. UBND tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp khắc phục. Tuy nhiên, ngay khi lực lượng kiểm tra ra về thì hoạt động khai thác đá lại trở lại…”
Khoáng sản là tài nguyên quý của quốc gia. Thực trạng khai thác khoáng sản trái phép tại Quảng Trị, Bình Thuận, Bình Định đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự huỷ hoại môi trường và làm cạn kiệt nguồn tài nguyên quốc gia. Thiết nghĩ, ngành chức năng cần tuyên truyền sâu rộng hơn nữa đến người dân và doanh nghiệp về tác động tiêu cực của những hành vi này; đồng thời, có những biện pháp xử lý nghiêm đối với trường hợp vi phạm./.