Tại Việt Nam hiện có khoảng 12 triệu người mang gen bệnh tan máu bẩm sinh và có trên 200.000 người bị bệnh ở mức độ nặng phải điều trị cả đời, cần truyền máu, thải sắt và xử lý các biến chứng của bệnh. Ước tính mỗi năm, nước ta lại có thêm khoảng 8.000 trẻ sinh ra bị bệnh tan máu bẩm sinh. Tỷ lệ người mang gen bệnh tại 1 số cộng đồng người dân tộc thiểu số như: dân tộc Mường, Thái, Tày, Dao, Nùng chiếm tới gần 25% đến hơn 40%.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Đức Bình, Phó Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, từ nay đến năm 2025, thực hiện giai đoạn 1 của chương trình mục tiêu quốc gia, có 5 tỉnh đông bệnh nhân tan máu bẩm sinh được triển khai thí điểm các hoạt động phòng chống: “Chương trình mục tiêu quốc gia sẽ giúp chúng ta triển khai đồng bộ trên cả nước để quản lý chăm sóc bệnh nhân tan máu bẩm sinh. Điều đó thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước. Chúng tôi lựa chọn 2 lộ trình, trước hết, giai đoạn 1 thực hiện tại 5 tỉnh (Yên Bái, Bắc Giang, Thanh Hóa, Hà Giang và Nghệ An), sau đó sẽ triển khai nhiều tỉnh thành hơn ở giai đoạn 2”.

Mục tiêu của Chương trình là giảm số ca phù thai do bệnh tan máu bẩm sinh, giảm số trẻ sinh ra bị bệnh này, từng bước nâng cao chất lượng điều trị ở tuyến cơ sở cho bệnh nhân dân tộc thiểu số. Các hoạt động chính sẽ đươc triển khai là tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân về bệnh tan máu bẩm sinh, tập huấn cho cán bộ y tế tuyến tỉnh, tuyến huyện và tiến tới xây dựng mô hình tầm soát bệnh tan máu bẩm sinh tại địa phương.

Bà Nguyễn Thu Hương, Giám đốc Sở Y tế Bắc Giang cho biết, hiện mỗi năm toàn tỉnh có gần 20 trẻ sinh ra mắc bệnh tan máu bẩm sinh: “Bắc Giang là 1 trong 5 tỉnh triển khai thí điểm. Tỷ lệ người bệnh tan máu bẩm sinh ở tỉnh khá cao. Vì vậy dự án triển khai tại địa phương hết sức có ý nghĩa, sẽ giúp chúng tôi giảm được người mang gien bệnh cũng như giảm được tỷ lệ bệnh nhân tan máu bẩm sinh. Phát hiện sớm được bệnh nhân cũng sẽ giúp điều trị kịp thời và nâng cao chất lượng cuộc sống…”.

Nếu 2 người cùng mang gen bệnh kết hôn với nhau thì tỷ lệ con sinh ra mắc bệnh tan máu bẩm sinh là 25%. Do vậy, việc xét nghiệm máu trước khi kết hôn và sàng lọc trước sinh là rất cần thiết để phòng tránh bệnh này./.