Trước đó, người mẹ khám thai tại Bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM, được phát hiện thai nhi mang khối bướu, vào tháng thứ 6 của thai kỳ. Các bác sĩ ghi nhận khối bướu to dần, nguy cơ xuất huyết nên quyết định chấm dứt thai kỳ sớm. Bé trai chào đời khi mới 37 tuần tuổi, cân nặng 4 kg. Ngay lập tức, các bác sĩ đặt ống hỗ trợ hô hấp, trẻ chưa cắt dây rốn, được chuyển qua Bệnh viện Nhi đồng 1 để can thiệp khối bướu.

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 chẩn đoán đây có thể là khối bướu dị dạng bạch huyết, kích thước khổng lồ, chèn ép khí quản, bao bọc các bó mạch lớn, tuyến giáp, khí quản, thực quản. Lúc này, khối bướu ở vùng mặt cổ ngực đẩy cột sống sang trái, làm cho vùng cổ lệch hẳn về một bên.

Thạc sĩ, bác sĩ Đào Trung Hiếu, Cố vấn Ngoại khoa, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết, đây là khối bướu dị dạng bạch huyết khổng lồ mà trong 30 năm hành nghề ông chưa từng gặp. Bướu lan lên cả sàn miệng, xuống trung thất, khí quản và bao bọc mạch máu lớn ở vùng cổ. Vì vậy, vấn đề phẫu thuật lấy khối bướu vô cùng khó khăn, chỉ một chút tổn thương khi bóc bướu bao quanh bó mạch ở cổ có thể khiến em bé tử vong ngay trên bàn mổ.

Sau 4 tiếng đồng hồ phẫu thuật, các bác sĩ đã bóc tách thành công hơn 90% khối bướu bạch huyết nặng 1,1 kg, trẻ phải truyền 100ml máu, phần còn lại được tiêm một loại thuốc để gây xơ hóa.

Đến nay, sau 10 ngày được phẫu thuật, tình trạng sức khỏe của bé tương đối ổn định, đã có thể cho ăn uống qua đường miệng, hỗ trợ hô hấp và kháng sinh.

“Vấn đề cần đối phó bây giờ là nhiễm trùng và hô hấp. Khi em bé xuất viện được rồi thì tiếp tục vật lý trị liệu cột sống, tầm soát sự tái phát của u bướu. Thời gian đầu sau 1 tháng sẽ siêu âm lại,  xem bướu có tái phát hay không, để có hướng kịp thời và phù hợp”, bác sĩ Đào Trung Hiếu cho biết./.