Chiều nay (4/12), lũ trên các sông ở miền Trung tiếp tục xuống. Chính quyền các địa phương huy động lực lượng, phương tiện giúp người dân khắc phục hậu quả mưa lũ, đồng thời chủ động đối phó với tình hình thời tiết đang diễn biến phức tạp.

lu_rslu.jpg
Người dân miền Trung điêu đứng hứng chịu thiên tai.

Theo thống kê, mưa lũ mấy ngày qua làm 13 người chết, 3 người bị thương, gần 100 ngôi nhà bị sập đổ, hư hỏng. Mưa lũ cũng khiến hơn 18.700 gia súc, gia cầm ở các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định bị chết; hàng trăm km đường giao thông nông thôn, kênh mương thủy lợi bị sạt lở, hại. 

Tại huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, mưa lũ gây thiệt hại hơn 2.000 héc ta lúa mới gieo sạ ở, 50 hộ dân bị ngập nước từ 0,5 đến hơn 1 mét. Do nước lên nhanh nên hầu hết nông sản, phân bón, gia súc, gia cầm của bà con bị ngập và bị cuốn trôi. Ngay sau khi nước lũ rút, chính quyền các địa phương huy động lực lượng dân quân, thanh niên giúp nhân dân khắc phục thiệt hại.

Ông Cao Thanh Thương, Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định cho biết: “Trước mắt, huyện sẽ tập trung chỉ đạo các phòng chuyên môn, nhất là phòng Kinh tế chuẩn bị một số cơ cấu giống để hỗ trợ cho nhân dân bị thiệt hại về giống. Chỉ đạo các xã và các cơ quan liên quan tập trung khắc phục sa bồi, thủy phá đảm bảo cuộc sống ổn định cho người dân và khắc phục một số đoạn bờ suối sạt lở”.

 Trong sáng nay, được sự giúp đỡ của các lực lượng quân đội, thanh niên xung kích địa phương, các trường học vùng ngập lụt ở tỉnh Bình Định dọn dẹp vệ sinh môi trường, kê đặt lại bàn ghế..., đảm bảo ngày mai (5/12), tất cả học sinh trên địa bàn sẽ đi học trở lại.

Ông Đào Đức Toàn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Định cho biết, sẽ sắp xếp dạy bù cho học sinh để đảm bảo chương trình: “Nhiều vùng lụt nên chúng tôi cũng đã chủ động - trang thiết bị thường để ở tầng trên, nhà cao tầng. Lũ lụt vừa qua thì cũng trôi bàn ghế, đồ dùng dạy học cũng bị ảnh hưởng nhưng không nhiều. Chúng tôi bố trí dạy bù trong thời gian hợp lý để đảm bảo chương trình. Những tuần sau lụt có thể tổ chức dạy cả ngày chủ nhật”.

Theo dự báo vào tuần sau, các tỉnh miền Trung sẽ có mưa lớn trở lại. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiến cứu nạn các tỉnh tiếp tục triển khai các phương án ứng phó, tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, không chủ quan đi lại tại những khu vực nguy hiểm, tránh những trường hợp tai nạn chết người.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi cho biết, chiều tối nay (4/12), lũ trên các sông Trà Khúc, Sông Vệ vẫn trên báo động 2. Chính quyền tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các địa phương cử người ứng trực, chốt chặn ở những khu vực nguy hiểm.

 Ông Đặng Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Phải hết sức chủ động trong công tác phòng chống lũ lụt, đặc biệt là các huyện mà hiện nay có nước sông dâng cao như Nghĩa Hành, Đức Phổ, Mộ Đức… là vùng hạ lưu sông, suối. Vì vậy, UBND tỉnh yều Chủ tịch UBND các huyện khẩn trương tuyền truyền vận động người dân cũng như có biện pháp cảnh báo không để người dân lơ là chủ quan lội qua các sông suối, các tuyến giao thông ảnh hưởng đến tính mạng của mình”.

Đến nay, các hồ thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã giảm lưu lượng xả lũ để hạn chế ngập lụt trên diện rộng. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh tiếp tục có Công điện đề nghị các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, thông tin vận hành, điều tiết các hồ chứa để người dân chủ động ứng phó./.