Tìm về ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Hồ, 88 tuổi, thôn Đào Nguyên (xã An Thượng huyện Hoài Đức Hà Nội), chúng tôi không khỏi nghẹn lòng khi chứng kiến cuộc sống chật vật của cụ bà mù lòa nuôi người con điên dại hàng chục năm nay.

me_mu_nuoi_con_dien_dai_hn_1_vov_qtal.jpg
Căn nhà nhỏ của mẹ con bà Hồ.
Nơi ở của hai mẹ con bà Hồ là căn nhà không quá rộng, nằm trong một con ngõ, thường xuyên bốc lên mùi ẩm mốc nồng nặc và bám đầy bụi.

Gặp bà Hồ khi bà đang men theo bức tường cũ đi của con ngõ vào nhà. Sau vài câu chào hỏi, bà lão với khuôn mặt khắc khổ lại dò dẫm từng bước dẫn chúng tôi vào nhà.

Khoảng cách từ cổng vào tới nhà khoảng chừng 30m nên mỗi lần đi đâu, người mẹ già phải men theo bức tường đó.

Chị Hồng, 48 tuổi, con gái bà Hồ có vấn đề về thần kinh từ năm 8 tuổi.
Sát cạnh cửa nhà, vỏ chai nhựa, lon bia, hộp giấy, túi nilon vất la liệt, bà Hồ kể là đồ của con gái bà nhặt về: "Hàng ngày, nó cứ đi lang thang, ai cho nó gì thì nó cầm cái đó. Nó mang về nhiều thứ lắm, hôm vài cái chai, lon bia, hộp giấy. Cũng có hôm người ta cho thức ăn, mớ rau, cân gạo,..”, bà Hồ nói về người con gái tên Hồng, 48 tuổi có vấn đề về thần kinh do mắc bệnh từ nhỏ.

Phía trong căn nhà chất đầy đồ đạc, chiếc giường được coi là nơi sạch sẽ nhất trong nhà bà Hồ nhưng chiếu cũng bị lấm lem, chăn, gối đã từ lâu không có người giặt.

Bà Nguyễn Thị Hồ, 88 tuổi bị mắt gần 4 năm nay mờ dần và gần như không thấy gì.
Theo lời kể của bà Hồ, trước đây, bà cũng có một gia đình yên ấm nhưng cuộc sống của bà trở nên khó khăn khi chồng sớm qua đời do bệnh tật. Chị Hồng, con gái bà hồi nhỏ phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác nhưng khi lên 8 tuổi, thì bị sốt cao, co giật, khi được đưa đến bệnh viện bác sĩ chẩn đoán bị viêm màng não, ảnh hưởng đến thần kinh.

Từ đó đến nay, bà Hồ vẫn đi chợ bán rau củ, kiếm đồng ra đồng vào mưu sinh. Thế nhưng từ khi mắt không nhìn thấy (khoảng 4 năm trước), cuộc sống của 2 mẹ con bà càng thêm khổ cực. Đôi mắt không nhìn thấy gì, những bữa cơm của mẹ con bà Hồ hôm sống, hôm chín, thậm chí chỉ đảo qua đảo lại thức ăn.

Ngồi nói chuyện không lâu, bà Hồ lại bảo “cho tôi xin phép nằm xuống giường vì đau lưng quá”.

Bà Hồ nằm xuống giường vì căn bệnh đau lưng.

Nói về hoàn cảnh của mẹ con bà Hồ, bà Phùng Thị Hợi, 72 tuổi (em dâu trong họ) sống cạnh nhà cho biết hoàn cảnh của gia đình bà Hồ lâu nay vô cùng khó khăn, chồng mất, con gái điên dại, mắt lại không nhìn thấy gì. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh gia đình họ hàng cũng không khá giả gì nên chỉ giúp đỡ về mặt tinh thần. Những lúc ốm đau bà Hợi cùng một số anh em họ hàng sang đưa đi bệnh viện.

Cũng theo bà Hợi, trước đây bà Hồ cũng có một khoản tiền 40 triệu đồng mọi người giúp đỡ. Trong dòng họ đã cầm số tiền này mỗi tháng trích ra đưa cho mẹ con bà Hồ 1 triệu đồng cùng 1.050.000 đồng tiền trợ cấp theo chế độ của nhà nước để trang trải cuộc sống hằng ngày.

Chị Hồng thường đi lang thang từ sáng, ai cho nó gì thì nó cầm cái đó.
Bà Hợi cũng chia sẻ thêm sắp tới gia đình sẽ bàn với chính quyền địa phương nói chuyện với bà Hồ để tính đến chuyện dồn số tiền mọi người ủng hộ cho ai đó giữ, hàng tháng trích ra để bà cụ chi tiêu hoặc gửi sổ tiết kiệm để sau này còn lo cho bà phút cuối đời cũng như người con gái điên dại.

Liên hệ với ông Nguyễn Văn Việt, trưởng thôn Đào Nguyên, xã An Thượng được biết, gia đình bà Hồ nhiều năm nay thuộc diện hộ nghèo của thôn. Do hoàn cảnh gia đình éo le nên lãnh đạo từ cấp huyện, xã, thôn đều tạo điều kiện giúp đỡ gia đình bà Hồ. Ông Việt cũng cho biết, chính quyền đã sử dụng tiền chính sách hỗ trợ người nghèo để xây nhà tình thương cho cụ vào đầu năm 2017. Bên cạnh đó, thôn cũng đã có đề xuất đưa chị Hồng đến trung tâm bảo trợ xã hội để được chăm sóc tốt hơn nhưng cụ không đồng ý, không muốn cho con đi.

Những ngày gần đây, những người biết thông tin về hoàn cảnh gia đình đã đến hỏi thăm, động viên, người thùng mì tôm, người cân gạo, gói bánh… để giúp đỡ gia đình bà Hồ nhằm giúp mẹ con bà có cuộc sống tốt đẹp hơn./.