Với hơn 10.000 giấy đăng ký lưu hành huốc hết hiệu lực sau ngày 31/12/2022 - chiếm gần 50% số lượng thuốc đang lưu hành trên thị trường, dẫn đến số lượng hồ sơ đề nghị gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc phải xử lý rất lớn. Chính vì thế, Bộ Y tế đã kiến nghị Quốc hội cho phép tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện việc gia hạn hiệu lực giấy đăng ký lưu hành thuốc. Việc gia hạn này có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh thiếu thuốc như hiện nay?
Phóng viên VOV phỏng vấn PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Đại biểu Quốc hội khoá XV, Phó Chủ tịch Hội Dược học Việt Nam về nội dung này.
PV: Thưa bà, theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện có khoảng hơn 24.000 giấy đăng ký thuốc có hiệu lực trên hệ thống, tuy nhiên hơn 10.000 giấy đăng ký lưu hành thuốc hết hiệu lực sau ngày 31 tháng 12 năm 2022 - chiếm gần 50% số lượng thuốc đang lưu hành trên thị trường. Bà có bình luận gì về thực trạng trạng này?
Bà Phạm Khánh Phong Lan: Tình trạng thiếu thuốc hiện nay có nhiều nguyên nhân, nhưng không nên nguyên nhân gì cũng đổ lỗi cho Covid, rồi đứt gãy chuỗi cung ứng. Trong thực tế, chúng tôi thấy có một số bệnh viện trong những năm bị Covid, tuy kế hoạch đấu thầu đã ký rồi, nhưng sau đó thì không thể thực hiện hợp đồng thầu vì không có bệnh nhân. Mà khi không thực hiện có nghĩa là sẽ không mua thuốc trong khi Công ty đã lỡ nhập hoặc lỡ sản xuất lại phải hủy thuốc vì nó quá hạn dùng. Cho nên, rất nhiều công ty bị lỗ trong việc này và người ta nản cũng như người ta không còn phương tiện để tham gia đấu thầu thuốc nữa.
Tuy nhiên, một trong những lý do quan trọng nhất mà thời gian vừa qua gây thiếu thuốc đó chính là tình trạng chậm cấp hoặc gia hạn số đăng ký tại Bộ Y tế. Thực tế này có nhiều nguyên nhân, nguyên nhân chủ quan là tại sao chúng ta phải có tới mấy chục ngàn số đăng ký thuốc? Ngay từ lúc đóng góp ý kiến cho Luật dược, tôi đã có ý kiến, cần phải có biện pháp lập các hàng rào kỹ thuật để hạn chế số lượng thuốc cần đăng ký, từ nhập khẩu cho tới sản xuất trong nước, tránh tình trạng đầu cơ số đăng ký. Có những doanh nghiệp có thể đăng ký cả trăm số đăng ký giống như là để giữ chỗ.
Trong số hơn 21.000 thuốc còn hiệu lực giấy đăng ký lưu hành và đang được cung ứng thì có đến gần 14.000 cần được cấp phép lại. Ngăn ngừa nguy cơ thiếu thuốc trầm trọng hơn tiếp tục tái diễn, dư luận,nhân dân, cử tri rất mong trong Nghị quyết Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, sẽ có nội dung cho phép Chính phủ thí điểm thực hiện gia hạn tự động hiệu lực số đăng ký thuốc cho đến hết ngày 31/12/2024 và tổng kết làm cơ sở sửa đổi nội dung liên quan tại Luật dược trong thời gian tới để bảo đảm kịp thời nguồn cung ứng thuốc phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh.
Chúng ta nhập khẩu những thuốc mà Việt Nam đã sản xuất được rất nhiều. Tại sao cũng là dịch bệnh, nhưng ở các nước thì không có tình trạng số đăng ký bị khủng hoảng như vậy? Cho nên, ngay từ đầu, giống như để giải quyết kẹt xe thì điều đầu tiên những xe không cần thiết thì không nên cho ra đường.
Về lâu về dài, cần phải xem xét lại về cơ chế, chỉ có cấp và gia hạn cho những danh mục nào thực sự cần thiết. Bây giờ chúng ta bao chung hết vào một rổ, kể cả những thuốc đặc trị hay những generic, hay những thuốc bản quyền thì đã có truyền thống rồi và bao nhiêu năm sử dụng bình thường rồi, tại sao lại cứ phải 5 năm gia hạn lại? Nó không chứng minh được điều gì mới.
Chúng ta làm khổ chúng ta. Vẫn ôm hết không muốn bỏ bớt ra nhưng mà sau đó làm thì không dám làm hoặc không muốn làm. Nếu như cứ thế này mà không kịp thời gia hạn, không kịp thời đăng ký mới thì tình trạng thiếu thuốc này sẽ tiếp tục trầm trọng hơn. Cho nên, cần sự vào cuộc quyết liệt của Bộ Y tế để tìm ra “nút thắt” ở chỗ nào, để giải quyết một cách tận gốc. Chúng ta phải xem lại về số lượng đăng ký, thậm chí mạnh dạn từ chối những thuốc nào không cần thiết, đã có quá nhiều hoặc chỉ đăng ký để mà làm bình phong. Phần còn lại thuộc về cải cách hành chính.
Theo tôi, quan trọng là phải tính toán để cho kịp thời, tránh tình trạng như bây giờ, thấy khó lại không cần số đăng ký nữa. Như thế thì từ trước tới nay, việc lập hàng rào số đăng ký để làm cái gì? Vì trên thực tế, đây cũng là một biện pháp để phòng chống thuốc giả, để rà soát lại về chất lượng. Việt Nam không phải là cái chợ, thuốc nào muốn vào là vào, muốn sản xuất là sản xuất.
PV:Về giải pháp lâu dài, theo bà, ngay cả những quyết sách của Quốc hội trong việc hoàn thiện chính sách thì cũng có cần phải tính toán lại không?
Bà Phạm Khánh Phong Lan: Về giải pháp lâu dài, chúng ta sẽ phải sửa lại Luật dược. Chúng ta ưu tiên bằng hàng rào kỹ thuật để bảo đảm người dân chỉ tiếp cận những thuốc có chất lượng, tránh tình trạng thuốc nào cũng là thuốc. Bởi, thực tế, có những thuốc được đầu tư kỹ lưỡng với dây chuyền hiện đại, với nguyên liệu bảo đảm, nhưng lại cùng chung vai, sát cánh với những thuốc, đôi khi sản xuất rẻ không bằng một viên kẹo. Rồi nhà nhà lập công ty dược, nhà nhà làm nhà máy sản xuất dược. Tôi muốn nhấn mạnh, điều cốt lõi phải từ luật.
PV:Vây theo bà, việc ban hành Nghị quyết cho phép Chính phủ thực hiện thí điểm việc tự động gia hạn sẽ có ý nghĩa như thế nào?
Bà Phạm Khánh Phong Lan: Chúng ta phải lựa chọn đối tượng là những thuốc nào đã có lịch sử sử dụng tin cậy rồi. Nếu không, sẽ dễ dẫn đến những việc luồn lách, méo mó và những loại thuốc giả, thuốc kém chất lượng có thể trà trộn vào. Có thể đây chỉ là một giải pháp tình thế. Nhưng về lâu về dài, phải xét lại danh mục về những gì cần phải gia hạn. Đương nhiên là tôi cũng theo quan điểm, đối với một số thuốc đã có lịch sử sử dụng được các bác sĩ tin cậy thì Bộ Y tế phải ra danh mục, không cần thiết phải gia hạn. Điều này vừa tốn kém, mất thời gian, không giải quyết được vấn đề cốt lõi.
PV:Xin cảm ơn bà!./.