Mất 10 năm để xây dựng, Bộ Y tế đặt mục tiêu Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia hướng tới chăm sóc sức khỏe, lợi ích sức khỏe phải được tôn trọng. Theo đó, Luật sẽ góp phần hoàn thiện thể chế về phòng, chống tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe, xã hội, kinh tế (đặc biệt là tai nạn giao thông, gây rối trật tự công cộng, bạo lực gia đình...) thông qua các biện pháp về giảm mức tiêu thụ rượu, bia; quản lý việc cung cấp, hạn chế tình trạng sẵn có của rượu, bia; giảm tác hại, bảo đảm nguồn lực để phòng, chống tác hại của rượu, bia, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân, phòng, chống các tác động đến kinh tế, trật tự và an toàn xã hội.

Khó khăn để triển khai

TS. Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho rằng, bất cứ dự luật nào được đưa ra, đặc biệt dự luật có xung đột về lợi ích sẽ thu hút những ý kiến trái chiều và gây tranh luận. Theo ông Nguyễn Huy Quang, Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia liên quan đến xung đột về lợi ích giữa vấn đề sức khỏe, xã hội với lợi ích về kinh tế. Đây cũng là khó khăn lớn đầu tiên từ quá trình xây dựng dự luật đến đưa Luật vào thực tiễn.

vov_huy_quang_ccbp.jpg
TS. Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế).

“Tính khả thi của Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia trong điều kiện của Việt Nam, chưa thể thực hiện ngay được. Đã có quy định lái xe không uống rượu bia, nhưng tại sao vẫn liên tiếp xảy ra? Những vấn đề chúng ta đưa ra phải từng bước khắc phục và vào cuộc kiên quyết để thực hiện tốt hơn với sự tham gia, phối hợp liên ngành để đưa Luật vào thực hiện hiệu quả. Thủ tướng Chính phủ sẽ có một kế hoạch, giao nhiệm vụ cho Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch… thậm chí Hội Liên hiêp phụ nữ, Hội Nông dân cũng phải vào cuộc từ Trung ương đến địa phương. Mỗi địa phương sẽ có một cách làm khác nhau tùy theo điều kiện mỗi cơ quan, địa phương cụ thể…”, ông Huy Quang nói.

Để bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật liên quan đến phòng, chống tác hại của rượu, bia, thời gian tới cũng cần sửa đổi, bổ sung quy định của Luật giao thông đường bộ, Luật Thương mại.

Kinh nghiệm trên thế giới đã cho thấy, các dự luật liên quan đến rượu bia sẽ bị tác động rất mạnh của ngành rượu bia, bởi mâu thuẫn lợi ích. Khi dự luật ra đời đã lập tức thấy ngay những khó khăn. Những khó khăn đầu tiên này là sự can thiệp không chỉ từ ngành công nghiệp rượu bia, các ngành có mâu thuẫn lợi ích khác như thuốc lá hoặc hóa chất độc hại. Bởi nếu dự luật thành công, các ngành công nghiệp khác sẽ rơi vào tình trạng tương tự.

Thuận lợi để triển khai luật

Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia sắp có hiệu lực quy định 3 biện pháp chính trong phòng, chống tác hại của rượu, bia bao gồm: giảm mức tiêu thụ rượu, bia bằng cách thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia; địa điểm không uống rượu, bia; quản lý việc khuyến mại rượu, bia có độ cồn dưới 15 độ; quản lý việc quảng cáo rượu, bia có độ cồn dưới 15 độ.

Theo TS. Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia có hiệu lực, việc đầu tiên phải làm là xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện. Trong đó, Bộ Y tế sẽ có dự thảo nghị định liên quan đến vấn đề hạn chế tiếp cận rượu bia, tính sẵn có của rượu bia… Bộ Công thương sẽ xây dựng nghị định về sản xuất, kinh doanh rượu bia cũng như các quy định chi tiết liên quan đến kiểm soát sản xuất rượu thủ công… Song song với quá trình này sẽ là các đợt truyền thông mạnh mẽ, kiên trì về luật này để các đối tượng chịu tác động của luật hiểu và thực hiện quy định.

“Chúng tôi sẽ mở các hội nghị triển khai ở phía Bắc và phía Nam, trong đó có sự tham gia của các cơ quan hữu quan từ Bộ Công Thương và một số bộ ngành khác như Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh… Từ trung ương đến địa phương sẽ có những hội nghị triển khai để giao nhiệm vụ, cũng như cam kết thực hiện luật này tại các đơn vị, các địa phương. Sau đó, sẽ tổ chức kiểm tra việc thực hiện bước đầu luật này như thế nào và tiếp tục rút kinh nhiệm để thực hiện các biện pháp khác để áp dụng hiệu quả nhất Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia vào thực tiễn”, ông Huy Quang nói.

Giới chuyên gia nhìn nhận tổng quan cho rằng ngay từ cái tên, Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia đã gửi đi thông điệp mạnh mẽ tới toàn người dân, nhằm tạo thuận lợi cho việc triển khai. Luật sẽ tạo được hành lang ban đầu về trách nhiệm xã hội, trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước và của toàn dân trong vấn đề phòng chống tác hại của rượu bia.

TS. Trần Tuấn, Trưởng Ban điều phối Liên minh phòng chống các bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN).

“Dù chưa đạt được sự mong đợi, trong đó có vấn đề kinh phí trong quá trình triển khai dự luật; làm sao hạn chế sự có sẵn và tiếp cận rượu bia?... Nhưng về tổng quan, Luật đạt được một số điểm cơ bản thuận lợi, nếu chúng ta tận dụng được, chúng ta sẽ đạt được một số thành tựu trong công tác phòng chống tác hại của rượu bia”, TS. Trần Tuấn, Trưởng Ban điều phối Liên minh phòng chống các bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN) nhận định.

Theo ông Trần Tuấn, thói quen sử dụng rượu bia của người dân là thói quen tập nhiễm, với những người nghiện rượu thì thay đổi là khó. Tuy nhiên, Luật Phòng chống tác hại của rượu bia đặt mục tiêu chính là không để gia tăng, không để giới trẻ nghiện rượu bia. Với các điều cấm như trẻ dưới 18 tuổi uống rượu bia, cấm sử dụng trẻ dưới 18 tuổi tham gia vào tiến trình buôn bán, kinh doanh rượu bia, cấm sử dụng rượu bia trong giờ hành chính và khi điều khiển phương tiện giao thông…, Luật có thể đạt được mục tiêu đã đề ra.

“Thế giới hiện nay đặt vấn đề lạm dụng rượu bia là một trong những trở ngại chính của y tế công cộng, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đất nước, do đó, Việt Nam sẽ có nhiều điều kiện khả thi để triển khai luật”, ông Tuấn nói thêm./.