Cao tốc TP.HCM – Trung Lương giai đoạn 1 có chiều dài 61,9km bao gồm gần 40km đường cao tốc và các tuyến đường nối, trong đó, đoạn cao tốc qua Long An dài gần 23km với quy mô 4 làn xe cơ giới và 2 làn dừng khẩn cấp. Đến nay, tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương đã quá tải với trên 50.000 lượt xe/ngày đêm. Từ năm 2019 đến nay, cao tốc TP.HCM – Trung Lương dừng thu phí, bị xuống cấp nghiêm trọng… Bên cạnh đó, tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vừa đưa vào hoạt động gây gia tăng áp lực lưu lượng phương tiện lên cao tốc TP.HCM – Trung Lương, dẫn đến tình trạng liên tục xảy ra tai nạn, ùn tắc giao thông, cũng như không bảo đảm việc kết nối đồng bộ với hệ thống cao tốc trong khu vực trong thời gian tới.
Để bảo đảm an toàn giao thông, tăng hiệu quả tính kết nối và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, giảm áp lực cho tuyến Quốc lộ hiện hữu, UBND tỉnh Long An kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét đầu tư giai đoạn 2, cao tốc TP.HCM – Trung Lương thêm 4 làn xe, nâng năng lực của cao tốc thành 8 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp.
Tỉnh Long An cũng đề nghị xem xét đầu tư thêm nút giao tại xã Thanh Phú, huyện Bến Lức phát huy hiệu quả tính kết nối với đường Vành đai 3 và đường cao tốc Bến Lức – Long Thành đang triển khai… Song song đó, Long An cũng triển khai những tuyến đường tỉnh kết nối vào hạ tầng này nhằm tạo động lực cho sự phát triển kinh tế xã hội.
Ông Nguyễn Hoàng Tuấn- Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Long An, cho biết: "Trong giai đoạn này, tỉnh rất quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông trên các tuyến đường của tỉnh. Một mặt giải quyết bài toán giao thông nội bộ, mặt khác nâng cao tính liên kết vùng. Kết nối giữa Long An, Đồng Tháp và TP.HCM không để xảy ra tình trạng ùn tắc về giao thông trên địa bàn tỉnh"./.