Lợi dụng danh nghĩa khai hoang vườn rừng, giao đất cho các hộ dân tái định cư, Ban quản lý Dự án Hợp phần di dân tái định cư Hồ chứa nước Nước Trong, tỉnh Quảng Ngãi đã “bật đèn xanh’ cho doanh nghiệp khai thác hàng trăm mét gỗ rừng tự nhiên. Những cánh rừng tự nhiên hàng trăm năm tuổi tại khe suối Sờ Lác, thuộc thôn Nước Biếc, xã Trà Thọ, huyện miền núi Tây Trà, Quảng Ngãi bị tàn phá gây bức xúc trong nhân dân và chính quyền địa phương.

khai_thac_go_nvgj.jpg
Gỗ được khai thác và xẻ ván ngay tại khu rừng nguyên sinh (Ảnh: CAND)

Những ngày qua,  đồng bào dân tộc thiểu số ở thôn Nước Biếc, xã Trà Thọ, huyện Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi rất đỗi ngạc nhiên khi thấy hàng chục cây gỗ hàng trăm năm tuổi bị đốn hạ, xẻ thành phách đưa ra khỏi rừng. Trong số đó, nhiều cây có giá trị cao như: huỳnh đàn vàng, chò, ké, xoan đào... mỗi cây có đường kính từ 0,8m đến 1m. Nhiều cây gỗ có chiều dài cả chục mét. 

Ông Hồ Văn Tấn, ở thôn Nước Biếc, xã Trà Thọ, huyện Tây Trà rất bức xúc bởi đây là khu rừng  chống sạt lở núi và giữ nước, lâu nay đồng bào ở đây giữ khu rừng này như giữ chính mạng sống của mình: “Bây giờ gỗ bị đốn hạ, dân không biết cách sao bây giờ, hết rồi. Dân chúng tôi thấy rất tiếc. Bây giờ rất mong chờ nhà nước cấp trên giải quyết”.

Ông Tiêu Viết Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Trà Thọ, huyện Tây Trà cho biết, khu vực rừng đang khai thác thuộc phần diện tích đất rừng thu hồi của Dự án Hợp phần di dân tái định cư hồ chứa nước Nước Trong. Trong phương án đền bù ghi rõ là gỗ tạp, thế nhưng, thực tế thì ngược lại. Theo quy định, Ban quản lý dự án chỉ được thu hồi đất của các hộ dân, chứ không ai có quyền đưa ra quy định khai thác gỗ. 

Ông Tiêu Viết Phương cho hay, việc tận thu những cây gỗ này, xã có biết và khi đi kiểm tra còn phát hiện có những vị trí không thuộc phần thu hồi nhưng nhiều đối tượng vẫn khai thác: “Phương án đền bù ghi không rõ, ghi tất cả cây gỗ đó thuộc gỗ tạp, nhưng gỗ đó không phải gỗ tạp. Những cây gỗ rừng tự nhiên vẫn còn trên đất đó. Nếu nói về lỗi có nhiều lí do, trước kia quy hoạch cấp cho dân. quy hoạch đôi khi làm ẩu, vẫn còn gỗ tự nhiên trên đất của dân”.

Ông Hoàng Anh Ngọc, Chủ tịch UBND huyện Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi khẳng định: Huyện không có chủ trương về khai thác gỗ tận thu. Quan điểm của huyện là giữ và bảo vệ rừng, dù gỗ tạp thì cũng phải bảo vệ.  

“Dù có chuyển đổi rừng nghèo, rừng gì đó đi chăng nữa để cấp đất cho dân, nhất là dân vùng lòng hồ chứa nước Nước Trong, nhưng nói như vậy trong khi cả nước người ta đang giữ rừng mà mình đi khai thác mà nhiều khi khai thác cả bi gỗ chở đi như thế, dân thấy là bức xúc. Quan điểm của lãnh đạo huyện chuyển đổi hay không chuyển đổi cũng phải giữ rừng”.

Hiện cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ngãi đang vào cuộc điều tra làm rõ vụ phá rừng ngang nhiên vừa diễn ra ở huyện miền núi Tây Trà./.