Sáng nay (30/3), tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Diễn đàn chính sách quốc gia đối với thanh niên với chủ đề “Đào tạo nghề cho thanh niên”.
Cần giải pháp chuyển lời nói thành hành động, kết quả
Nội dung trao đổi tại diễn đàn tập trung vào các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đào tạo nghề cho thanh niên; công tác đào tạo nghề cho thanh niên các khối đối tượng: thanh niên nông thôn, thanh niên công nhân, thanh niên khuyết tật, thanh niên dân tộc thiểu số, bộ đội xuất ngũ, học sinh, sinh viên; các chính sách và khuyến nghị về đào tạo nghề cho thanh niên trong tình hình dịch bệnh Covid - 19 và cuộc cách mạng 4.0...
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh - Nguyễn Anh Tuấn dẫn số liệu từ Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) cho thấy, đến năm 2025 có 85 triệu việc làm trên toàn cầu sẽ bị xóa bỏ, nhưng đồng thời có 97 triệu việc làm mới được tạo ra. Để đáp ứng yêu cầu của thế giới việc làm mới, ước tính khoảng 50% lao động cần được đào tạo lại và đào tạo nâng cao về kỹ năng, tay nghề. Việt Nam là nước có dân số trẻ, số người trong độ tuổi lao động chiếm gần 60% dân số, trong đó lực lượng thanh niên đóng vai trò nòng cốt.
“Dù trong bối cảnh nào, thử thách nào, chúng ta vẫn luôn tin tưởng thanh niên sẽ phát huy tinh thần lạc quan, chủ động thay đổi tư duy, cách thức làm việc, biến “nguy” thành “cơ” để đối diện với thời cuộc một cách chủ động nhất” – ông Nguyễn Anh Tuấn bày tỏ.
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn đặt niềm tin sâu sắc vào lực lượng thanh niên, đề cao vai trò, vị trí của thanh niên. Trong những năm qua, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách để thanh niên trở thành lực lượng hùng hậu, trung thành, kế tục sự nghiệp cách mạng vinh quang của Đảng và dân tộc.
Tuy nhiên, ông Trần Thanh Mẫn cũng thẳng thắn chỉ rõ thực tiễn cần quan tâm giải quyết như tỷ lệ thanh niên có kỹ năng nghề chỉ có 19% so với tỷ lệ bình quân chung của cả nước là 24,1%. Lao động trong thanh niên chưa qua đào tạo nghề còn cao, nhất là thanh niên nông thôn chưa tiếp cận được nhiều thông tin đào tạo nghề, cơ hội tìm kiếm việc làm sau đào tạo còn hạn chế.
Dự báo về nhu cầu lao động thanh niên chưa thực sự sát với nhu cầu thị trường lao động và doanh nghiệp. Đào tạo nghề nghiệp cho thanh niên yếu thế, người dân tộc thiểu số, phụ nữ chưa được quan tâm đúng mức.
Bên cạnh đó, do tác động nặng nề của dịch COVID-19 dẫn đến nhiều thanh niên mất việc làm hoặc phải chuyển đổi nghề nghiệp: số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động năm 2021 là hơn 1,4 triệu người, trong đó tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 3,22%, tăng 0,54% so với năm 2020, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên là 8,48%, tăng 0,52%.
Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội đề nghị nghiên cứu và có những giải pháp hiệu quả, chuyển các ý tưởng, lời nói thành hành động, kết quả, hiệu quả cụ thể để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, năng lực cạnh tranh quốc gia.
Thanh niên cần không ngừng nỗ lực rèn luyện, học tập, công tác, phát huy sức trẻ, trí tuệ, nhiệt huyết thanh xuân, hun đúc lý tưởng, thực hiện thành công ước mơ, hoài bão trong mọi lĩnh vực, mọi ngành nghề, ngày càng thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”.
Đang có sự “lệch pha” trong đào tạo nghề cho thanh niên
Kết luận Diễn đàn, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cũng nêu rõ 10 vấn đề đặt ra đối với công tác đào tạo nghề cho thanh niên. Trong đó nhấn mạnh lực lượng thanh niên là đông đảo nhất, đóng vai trò lực lượng chủ đạo trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong việc thực hiện chiến lược phát triển nhanh, bền vững đất nước trong giai đoạn mới. Đào tạo nghề cho thanh niên cần được xem là một trong những trọng tâm của cả hệ thống giáo dục - đào tạo ở mọi cấp, trình độ, hình thức đào tạo (không phải chỉ là nhiệm vụ của riêng hệ thống giáo dục nghề nhiệp). Điều đó đòi hỏi cách tiếp cận hệ thống, đồng bộ, hiệu quả trong đào tạo nguồn nhân lực ở mọi cấp độ, mọi địa phương, các lĩnh vực; tránh sự chia cắt cơ học, không hợp lý.
“Đang có sự “lệch pha” trong định hướng đào tạo nghề nghiệp, tư vấn hướng nghiệp giữa hệ thống đào tạo với nhu cầu thực tế về nhân lực của sự phát triển kinh tế - xã hội và với nhu cầu (mong muốn) của người học, thể hiện ở cơ cấu đào tạo, tình trạng thất nghiệp và cấu trúc nguồn nhân lực” – ông Nguyễn Đắc Vinh nói.
Thách thức trong giai đoạn trước mắt là vừa phải giải quyết bài toán đảm bảo cung ứng nhân lực cho phục hồi kinh tế - xã hội trong tình thế dịch Covid - 19 đang còn tác động mạnh và không sớm kết thúc, vừa phải thực hiện các giải pháp căn cơ, mang tầm chiến lược lâu dài về đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao trong 5 - 10 - 20 năm tới để tạo động lực then chốt cho đất nước phát triển nhanh - bền vững.
Báo cáo kết quả của Diễn đàn sẽ được gửi tới các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan làm tài liệu tham khảo khi xem xét, hoạch định chính sách về đào tạo nghề nói chung và đào tạo nghề cho thanh niên nói riêng./.