Cuối tháng 5 vừa qua, công an tỉnh Lạng Sơn đã phát hiện và bắt giữ gần 50kg tôm hùm đất đang trên đường vận chuyển từ hướng cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị về Hà Nội.

vov_1_qglq.jpg
Lực lượng chức năng khu vực cửa khẩu kiểm soát chặt chẽ các phương tiện vận tải đi qua cửa khẩu.

Tại cơ quan chức năng, chủ xe ô tô BKS: 29B- 135.04 là bà Vũ Thị Nguyệt Nga ở phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội đã khai nhận: vận chuyển thuê từ cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị về Đồng Kỵ, tỉnh Bắc Ninh với giá 100.000đ/thùng. 

"Số tôm này không phải của tôi mà tôi chở từ cửa khẩu về. Người ta giao cho tôi và tôi chỉ nhận chở thuê. Tôi biết loại tôm này nó không tốt, phá hoại mùa màng. Tôi chỉ nghĩ rằng nó qua được cửa khẩu thì nó không phải là hàng cấm", bà Nga nói.

Kiểm tra hàng hóa xuất nhập khậu tại khu vực cửa khẩu Cốc Nam, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn.

Với hơn 231 km đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Trung Quốc, Lạng Sơn là một trong những tỉnh xuất hiện tình trạng thẩm lậu tôm hùm đất qua biên giới vào sâu trong nội địa.

Trước tình trạng trên, UBND tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo lực lượng chức năng phối hợp chặt chẽ, tăng cường kiểm soát khu vực biên giới. Đặc biệt là lực lượng Hải quan trong việc kiểm soát hàng hóa nhập khẩu, khu vực đường mòn, lối mở.

Ông Vy Công Tường – Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn cho biết: "Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã xuất hiện tôm hùm đất là loại sinh vật ngoại lai không được phép kinh doanh, nuôi trồng tại Việt Nam. Chúng tôi ban hành văn bản, chỉ đạo chi cục Hải quan cửa khẩu, đội kiểm soát hải quan tăng cường công tác chống buôn lậu. Phối hợp với lực lượng biên phòng, triển khai chốt chặt khu vực đường mòn biên giới, kiểm soát việc nhập lậu với đối tượng là tôm hùm đất nhằm phát hiện để có biện pháp ngăn chặn".

Trong khu vực nội địa, công an các cấp phối hợp với lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra và tuyên truyền về tác hại của tôm hùm đất cho các hộ kinh doanh.

Hiện nay, tại các khu vực cửa khẩu, lực lượng chức năng đang tăng cường công tác chốt chặn 24/24h tại các khu vực lối mở, đường mòn biên giới. Đồng thời, kiểm soát kỹ hàng hóa lưu thông qua lại cửa khẩu, nhất là hoạt động thương mại biên giới của thương nhân và việc mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới.

Ông Nguyễn Quang Bách, Phó Chi cục trưởng, Chi cục cửa khẩu Cốc Nam, Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết: "Hiện nay, đơn vị Hải quan cửa khẩu đang tăng cường quản lý đối với mặt hàng này theo sự chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp & PTNT. Tuy nhiên cũng không loại trừ mang vác nhỏ lẻ, trốn tránh lực lượng Hải quan, đấy là một rủi ro cơ quan Hải quan cần phải kiểm soát."

Trong khu vực nội địa, lực lượng quản lý thị trường đang tăng cường phối hợp với công an các huyện, thành phố, ngành chức năng tổ chức kiểm tra các chợ đầu mối và các cửa hàng chuyên bán hải sản tươi sống. Đồng thời tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân về tác hại của việc kinh doanh, nuôi trồng loài thủy sinh ngoại lai nguy hiểm này.

Ông Phạm Trọng Đạt, Trưởng Ban Bảo vệ dân phố phường Hoàng Văn Thụ, TP. Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn khẳng định: "Loại tôm hùm này phá hoại môi trường sống, môi trường thủy sinh rất mạnh, ảnh hưởng rất lớn đến đê điều. Tổ dân phố phối hợp với trật tự đô thị phường, công an phường mỗi lần đi làm nhiệm vụ thì tuyên truyền, nhắc nhở rồi kiểm tra tất cả các hộ kinh doanh hải sản là không được kinh doanh tôm hùm đất."

Cho đến thời điểm này, tỉnh Lạng Sơn chưa phát hiện thêm vụ việc nào liên quan đến kinh doanh, buôn bán tôm đất. Tuy nhiên, vì hám lợi nhuận, một số đối tượng bất chấp lệnh cấm của Nhà nước vẫn rao bán tôm hùm đất trên một số trang mạng xã hội theo hình thức đặt hàng.

Tuy nhiên, theo ông Hoàng Văn Đông, Chánh thanh tra Sở Thông tin & truyền thông tỉnh Lạng Sơn: Mạng xã hội Facebook chưa có hiện diện pháp lý tại Việt Nam, chỉ đang thực hiện hoạt động cung cấp thông tin công cộng qua biên giới vào Việt Nam. Theo chính sách của Facebook, thông tin của người sử dụng được bảo mật. Do đó, nếu người sử dụng không cài đặt chế độ công khai hoặc chia sẻ thì không thể thu thập thông tin được. Đây cũng là khó khăn cho ngành chức năng trong việc kiểm soát, ngăn chặn loài tôm hùm đất này. 

"Khi phát hiện ra những thông tin đưa về tôm hùm đất mà nhà nước cũng đang ngăn chặn, về phía cơ quan quản lý Nhà nước cũng khó xác định được chủ thể và địa chỉ của những sai phạm này ở đâu. Chính vì vậy mà đặt ra cho cơ quan quản lý nhà nước rất khó xử lý", ông Đông nói.

Để ngăn chặn triệt để loài tôm có hại cho sản xuất này xâm nhập vào Việt Nam, bên cạnh sự vào cuộc của ngành chức năng trong việc kiểm soát nhập khẩu hàng hóa tại khu vực cửa khẩu; nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của loài thủy sinh ngoại lai nguy  hại này, cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần có biện pháp quản lý đối với hình thức bán hàng qua mạng xã hội, từ đó kiểm soát được những mặt hàng cấm, để có biện pháp ngăn chặn hiệu quả, kịp thời./.