Kiểm tra thực tế tại 2 vườn sầu riêng của ông Vũ Xuân Hợp và ông Trần Văn Thái, ở thôn 5, xã Đường 10, kết quả có 62 cây chết, nhiều cây khác đang nhiễm bệnh có nguy cơ chết nhanh.

Cả hai vườn đều có chung triệu chứng là cây sầu riêng có hiện tượng xì mủ trên thân và gốc, vàng lá, rụng trái. Một số cây bộ rễ bị khô đen và chết; trên lá và cành cây xuất hiện đốm nâu, nhô lên mặt lá. Một số cây khác có hiện tượng khô cành, nhánh, có vết đục và mùn cưa. 

Nguyên nhân chính được xác định, các vườn sầu riêng đang bị ảnh hưởng bởi nhiều loại nấm bệnh.

Nấm bệnh này do người dân trồng xen canh sầu riêng với điều, tiêu, cà phê - những cây cũng có chung nguồn gốc nấm bệnh.

Mặt khác, cây sầu riêng chịu hạn kém, thiếu nước tưới trong thời gian nắng nóng khiến cây suy yếu, tạo điều kiện cho nấm bệnh phát triển. 

Bệnh đốm rong đã phát triển trên cành, lá. Tuy nhiên trong giai đoạn nuôi trái nông dân hạn chế chữa trị gây ảnh hưởng đến khả năng quang hợp và tổng hợp dinh dưỡng, do vậy càng tạo điều kiện thuận lợi cho nấm bệnh phát triển nhanh.

Trước tình hình trên, Trung tâm Dịch vụ Khuyến nông huyện đã hướng dẫn bà con nông dân các biện pháp phòng bệnh cho cây, cách chăm sóc vườn.

Trung tâm cũng khuyến cáo người dân cần xác định nguồn gốc đất trước khi trồng sầu riêng; sử dụng nguồn nước tưới tiêu đảm bảo, áp dụng kỹ thuật canh tác phù hợp với từng loại đất, địa hình. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra vườn để phát hiện sớm sâu bệnh và có biện pháp phòng trừ kịp thời.

Với tình trạng sầu riêng chết hàng loạt do nấm bệnh, UBND huyện Bù Đăng khuyến cáo người dân cần chủ động áp dụng các biện pháp phòng trừ như khuyến cáo của Trung tâm Dịch vụ Khuyến nông huyện để bảo vệ vườn cây và hạn chế thiệt hại.

Theo thống kê, trên địa bàn xã đường 10 có trên 150 hộ trồng sầu riêng, với diện tích khoảng 200 ha. Số lượng này có xu hướng tăng nhanh trong thời gian gần đây vì sầu riêng đang là cây trồng cho giá trị kinh tế cao.