Theo một nghiên cứu của Trường đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, stress là vấn đề mà học sinh gặp phải nhiều nhất, chiếm gần 57%, sau đó đến lo âu và trầm cảm chiếm hơn 45%. Bên cạnh đó học sinh còn gặp phải những khó khăn trong học tập, định hướng nghề nghiệp… Một kết quả khảo sát khác tại thành phố Hồ Chí Minh cũng cho thấy có đến 97% học sinh từ 15 đến 18 tuổi bị stress nhẹ và gần 3% bị stress ở mức trung bình. Trong đó, nguyên nhân đa số đến từ vấn đề học tập, thi cử.

Từ thực tế này, bác sĩ Đinh Hữu Uân, Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần Phương Đông đưa ra những lời khuyên để hạn chế stress cho học sinh khi mùa thi đang đến gần: “Thứ nhất là các bạn phải ngủ đủ giấc. Thứ hai là ôn bài thật tốt. Có những em học sinh đã chuẩn bị bài rất tốt rồi, nhưng mà trước khi vào kỳ thi lại hốt hoảng lo âu. Khi đó cần nhìn qua đề thi một lượt. Hãy hít thở sâu một chút, hít vào bằng mũi từ từ và thở ra bằng miệng từ từ, làm 5 lượt như vậy. Đối với tình trạng quên trí nhớ tạm thời trong kỳ thi có thể xảy ra, tức là bỗng dưng quên hết những kiến thức buổi học hôm trước. Các nhà tâm thần học đã nghiên cứu thấy rằng, việc quên đi như thế cũng chỉ xảy ra trong thời gian ngắn thôi. Các em hãy hít sâu một chút và thở đều từ từ thì những kiến thức đó lại ùa về, nên các em học sinh cứ bình tĩnh". 

Cũng theo các bác sĩ, hai ngày trước khi thi không nên học nhiều, thay vào đó hãy dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, ăn uống đủ chất và ngủ ít nhất 8 tiếng mỗi ngày. Các bậc phụ huynh cần quan tâm và giúp các con giải tỏa áp lực. Khi con có những biểu hiện stress nặng hoặc trầm cảm, cần đưa đi khám chuyên khoa sức khỏe tâm thần hoặc trị liệu bằng đông y. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thái Hà, Trưởng khoa khám chữa bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện Y học cổ truyền Tung ương cho biết, sử dụng liệu pháp điều trị bằng thiên nhiên sẽ giúp nâng cao thể trạng, sức đề kháng, sức bền và sức chịu đựng của cơ thể để đối phó với stress.

“Nguyên tắc điều trị của y học cổ truyền là khơi dậy khả năng tự phục hồi và điều chỉnh lại sự cân bằng trong cơ thể của y học cổ truyền. Những trường hợp rối loạn lo âu hoặc ngày càng nhiều học sinh mắc hội chứng bệnh lý về tâm thần kinh trong những dịp thi cử, các cháu bị mất ngủ, bị đau đầu, mất tập trung, trào ngược dạ dày rất nhiều. Căng thẳng hơn nữa chúng tôi tiếp nhận những bệnh nhân rối loạn giấc ngủ. Những trường hợp này thì qua kinh nghiệm điều trị lâm sàng, các phương pháp châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt, sử dụng thuốc y học cổ truyền có hiệu quả rất tốt, lập lại cân bằng trong cơ thể và giúp giải tỏa stress”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thái Hà chia sẻ.