Trận lở núi kinh hoàng xảy ra vào rạng sáng ngày 27/6/2018 vẫn còn trong tiềm thức của người dân bản Sán Tùng, xã Tà Ngảo, huyện biên giới Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu. Chỉ sau vài giờ sơ tán người khỏi bản, cả sườn núi sạt trượt xuống, vùi lấp toàn bộ gần 30 ngôi nhà cùng toàn bộ tài sản tích cóp trong nhiều năm. Trong phút chốc, gần 200 nhân khẩu nơi đây rơi vào cảnh màn trời chiếu đất. 

Ông Lầu A Dông, ở bản Sán Tùng nhớ lại: Sau nhiều ngày mưa to, bà con phát hiện phía ta luy dương đầu bản có vết nứt xẻ dọc sườn núi. Vết nứt to dần và ngày càng kéo dài khiến người dân hoang mang. Sau khi cử người kiểm tra và họp bản, bà con đã báo với chính quyền, sau đó nhanh chóng chủ động di dời người đến nơi an toàn.

“Ngày 26/6/2018 bà con trong bản thấy bị nứt núi, đêm 27/6 sạt lở. Mọi người đã kịp thời sơ tán, cũng may không nguy hiểm cho người, nhưng tài sản và gia súc vẫn bị chết do sạt lở. Sau đó, được nhà nước quan tâm, chuyển bà con đến bản mới, hiện tại cuộc sống của bà con cũng ổn định hơn nhiều”, ông Lầu A Dông nói.

Trưởng bản Sán Tùng Hạng A Binh cho biết, tập quán sinh sống của đồng bào Mông thường ở trên núi cao, trong khi địa hình chủ yếu là đồi núi dốc, nên việc tìm kiếm mặt bằng tái định cư cũng khó khăn. Phải hơn một tháng sau, chính quyền mới bố trí được mặt bằng cách bản cũ hơn 2km cho bà con tái định cư. Giờ ở bản mới, mọi thứ đều tốt hơn và bà con cũng ý thức hơn mỗi khi mùa mưa đến.

“Cho đến giờ, mùa mưa bà con cũng rất chủ động về nơi ở để được an toàn. Hiện tại, bà con cũng hiểu biết là nếu như mùa mưa bà con cũng biết lo chỗ này không đảm bảo an toàn, biết là di dời về. Người dân cũng nhận thức là phải luôn luôn trồng các cây xanh để bảo vệ xung quanh nhà, tránh tình trạng sạt lở”, ông Hạng A Binh cho biết.

Thống kê 5 năm trở lại đây, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu ghi nhận có hơn 30 người thiệt mạng, mất tích và bị thương do mưa lũ gây ra. Ngoài thiệt hại về người, địa phương cũng thiệt hại gần 200 tỷ đồng về tài sản, trong đó, có hơn 4.600 hộ bị thiệt hại về nhà cửa.

Tuy nhiên, nhờ sự chủ động của chính quyền địa phương và người dân, thiệt hại về người và tài sản những năm gần đây giảm đáng kể. Cụ thể, năm 2018 toàn huyện có 25 người chết, mất tích và bị thương, với thiệt hại về tài sản trên 113 tỷ đồng, thì cả năm 2019 và 2020 địa phương chỉ có 1 người chết và tổng thiệt hại hơn 43 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Quốc Vương, Phó Chủ tịch UBND huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu cho biết, sống chung với địa hình, thời tiết là điều bắt buộc đối với đồng bào vùng cao và đây cũng là tập quán của đồng bào. Tuy nhiên, để hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, phụ thuộc lớn vào sự chủ động của chính quyền cơ sở và người dân. Bởi miền núi vào mùa mưa giao thông đi lại khó khăn, khi thiên tai xảy ra thì lực lượng tại chỗ ứng cứu kịp thời sẽ giảm thiểu thiệt hại.

“Phát huy được sức mạnh của cộng đồng và tinh thần cảnh giác của bà con nhân dân, khi có thiên tai xảy ra bằng những công cụ như: đánh trống, tuyên truyền bằng loa phóng thanh, kẻng báo động để cho nhân dân nhận biết và tổ chức di chuyển sớm. Một trong những giải pháp nữa là phải thực hiện phương châm "4 tại chỗ", quan trọng nhất vẫn là lực lượng tại chỗ là chính, tổ chức di dời khẩn cấp để đảm bảo an toàn tài sản và tính mạng của nhân dân”, ông Nguyễn Quốc Vương cho biết thêm.

Sau những mất mát về người và tài sản là các bài học cho bản thân, cộng đồng, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng. Tuy nhiên, với đặc thù thực tế về địa hình, thời tiết tại địa phương, nhờ tuyên truyền và rút kinh nghiệm, người dân huyện Sìn Hồ nói riêng và tỉnh Lai Châu nói chung đã chủ động hơn khi mùa mưa đến và nâng cao ý thức cảnh giác, thực hiện các biện pháp phòng, chống để giảm thiểu thiệt hại./.