Đợt rét đậm, rét hại này đã ảnh hưởng nhiều đến đời sống sinh hoạt của người dân vùng cao, trong đó có tỉnh biên giới Lai Châu.

Các xã vùng cao huyện Sìn Hồ nằm ở độ cao từ 1.200 đến 1.500m. Hai ngày nay, nhiệt độ xuống thấp và nhiều vùng núi cao có mưa, mây mù và băng tuyết. Bắt đầu từ hôm qua (17/12) đã có hơn 2.000 học sinh phải nghỉ học, chủ yếu là học sinh mầm non và tiểu học.  

lan_min_2_dbyr_urmr.jpg
Học sinh điểm trường Lán Min, xã Tà Hừa, huyện Than Uyên, Lai Châu (Ảnh: Thanh Thủy)

Ông Ngô Hoàng Thái, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sìn Hồ cho biết: Nhiệt độ trên địa bàn hiện nay đang giao động ở mức từ 2 – 4 độ C, cộng thêm có mưa nên càng rét buốt hơn. Đến chiều 18/12, toàn huyện có 14 trường phải cho học sinh nghỉ học, trong đó có 10 trường mầm non. Do đây đang là thời điểm học sinh thi học kỳ I, nên Phòng đã chỉ đạo các nhà trường khác không cho học sinh nghỉ học phải có biện pháp giữ ấm cho học sinh.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Sở Giáo dục và Đào tạo Lai Châu, đến 16h ngày 18/12, toàn tỉnh có trên 4.300 học sinh ở các bậc mầm non và tiểu học phải nghỉ do thời tiết rét đậm, rét hại. Khu vực có học sinh phải nghỉ học thuộc các xã vùng cao các huyện Sìn Hồ, Mường Tè và Tam Đường.

Ông Đỗ Văn Hán, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu cho biết: Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nếu nhiệt độ xuống dưới 10 độ là học sinh tiểu học và mầm non nghỉ học, dưới 7 độ thì học sinh trung học cơ sở nghỉ và dưới 5 độ là học sinh bậc trung  học phổ thông nghỉ học. Tuy nhiên, do đặc thù của Lai Châu, nếu áp dụng cứng nhắc như quy định thì nhiều nơi ở Lai Châu thời gian nghỉ học phải kéo dài cả tháng, ảnh hưởng đến lịch học của cả năm.

Ông Đỗ Văn Hán nói: “Trong việc phòng chống rét cho học sinh vùng cao, chúng tôi tiếp tục vận động để trang bị đủ áo ấm cho các cháu. Đối với những trường có học sinh bán trú, chúng tôi chỉ đạo những ngày này tăng khẩu phần ăn lên để các cháu đủ dinh dưỡng và sức khỏe để chống rét; đủ chăn ấm cho các cháu, nhất là học sinh nội trú; sử dụng thật tốt nguồn xã hội hóa, trang bị thêm lò sưởi, máy sưởi bằng điện và trải thêm đệm. Một số nơi không có điều kiện thì chủ động đốt củi để sưởi ấm cho các cháu học sinh, giữ cho các cháu đến trường ấm hơn ở nhà”.

Những ngày tới thời tiết càng phức tạp, ngành Giáo dục và Đào tạo Lai Châu yêu cầu các nhà trường và khuyến cáo bà con phải tuyệt đối đảm bảo an toàn, giữ ấm cho trẻ khi đến lớp và ở nhà như: mặc áo ấm, không cho trẻ ra ngoài trời, cho trẻ uống nước ấm và ăn uống đầy đủ khẩu phần ăn có đủ chất dinh dưỡng để đảm bảo sức khỏe./.