Chiều nay (18/8), tại UBND TP Phú Quốc, lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức họp báo thông tin xử lý các vụ việc lấn chiếm rừng, khu bảo tồn biển, xử lý rác thải, ô nhiễm sông Dương Đông tại thành phố Phú Quốc. Ông Lê Quốc Anh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, Tổ trưởng Tổ Công tác đặc biệt về xử lý vi phạm trong lấn chiếm đất rừng, xây dựng trái phép trên địa bàn TP Phú Quốc chủ trì cuộc họp báo.
Sau 2 tháng triển khai, Tổ công tác đặc biệt của tỉnh đã thu hồi hơn 139 ha đất rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp bị chiếm sử dụng trái pháp luật diện tích, trong đó có gần 12 ha đất rừng phòng hộ, hơn 41 ha đất rừng đặc dụng; đã khởi tố 8 vụ án hình sự về tội hủy hoại rừng và đang điều tra củng cố hồ sơ 03 vụ; tiêu hủy nhiều cây trồng, đã tạo được chuyển biến tích cực, các hành vi vi phạm đất rừng đã dừng lại.
Tổ công tác đặc biệt cũng đã kiểm tra, xử lý các hành vi xây dựng công trình trái phép xâm hại trong khu bảo tồn biển Phú Quốc tại 02 khu vực quần đảo Nam An Thới và ven biển xã Hàm Ninh. Thời gian tới, tỉnh đã chỉ đạo UBND thành phố Phú Quốc lập đoàn công tác liên ngành kiểm tra toàn diện hoạt động kinh doanh, dịch vụ, vận tải hành khách trên biển, nhằm lập lại trật tự trên địa bàn quần đảo Nam An Thới và toàn thành phố Phú Quốc. Đồng thời, Đoàn kiểm tra của Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục kiểm tra các vụ việc vi phạm trong khu bảo tồn theo phản ánh của người dân và cơ quan báo chí và đề xuất xử lý theo quy định của pháp luật.
Tại cuộc họp báo, các câu hỏi của các cơ quan báo chí chủ yếu xoay quanh về trách nhiệm của chính quyền địa phương khi để xảy ra các công trình xây dựng trái phép, lấn chiếm đất rừng… và biện pháp cứng rắn của tỉnh để chấn chỉnh nghiêm các hành vi vi phạm này trong thời gian tới.
Ông Lê Quốc Anh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang nhìn nhận trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước vì đã để xảy ra những vi phạm như trong thời gian qua tại Phú Quốc do thành phốphát triển quá nhanh, khối lượng công việc nhiều, thậm chí về đầu tư phát triển bằng cả 1 tỉnh nhưng cán bộ ít, không thể bao quát, quản lý được hết.
Ông Quốc Anh khẳng định “dứt khoát không có chuyện bao che sai phạm, sai tới đâu chúng tôi xử lý tới đó. Đối với đất rừng, đất trong khu vực bảo tồn biển, tổ công tác đặc biệt và tổ 3399 của thành phố làm ngày làm đêm, thậm chí có cả nguy hiểm. Về đất rừng, ngành chức năng từng bước truy tố các hành vi bao chiếm lấm chiếm rừng và lấy lại đất rừng cho Phú Quốc, tuy nhiên thời gian không thể nóng lòng được. Tổ công tác đặc biệt làm việc cho đến cuối năm theo Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh nhưng chúng tôi sẽ ở lại cho đến khi nào đất rừng không còn bị bao chiếm nữa và sẽ bàn giao lai cho địa phương khi tổ công tác về rồi thì phải có giải pháp sau khi về rồi địa phương có thể cáng đáng giữ được rừng cho Phú Quốc thì mới ngưng tổ này”.
Ông Quốc Anh cho biết sẽ xử lý triệt để các nhà và công trình xây dựng trái phép trên biển trong tháng 9. Các tổ chức, cá nhân xây dưng trái phép trong khu bảo tồn biển đều thừa nhận hành vi sai phạm và xin tự tháo dỡ. “Trong tháng 9, tất cả công trình phải tháo dỡ, nếu không tháo dỡ chúng tôi sẽ chỉ đạo cưỡng chế”.
Đối với các doanh nghiệp tổ chức lặn biển không có giấy phép thì phải tạm dừng ngay để chờ tỉnh phê duyệt đề án khai thác du lịch ở khu bảo tồn và tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư, người dân thực hiện các sản phẩm du lịch trên khu bảo tồn đúng quy định pháp luật. “Tinh thần tới đây Khu bảo tồn biển sẽ được quy hoạch bài bản, có đề án phát triển du lịch sinh thái trong khu bảo tồn và phát triển thêm những rạn san hô cũng cần daonh nghiệp đầu tư thêm để cấy ghép, làm giàu thêm san hô cho du lịch phát triển chứ không phải chúng ta bắt giữ lại đó, khoanh đó thì không phải để Phú Quốc phát triển”, ông Lê Quốc Anh nhấn mạnh.
Về biện pháp giải quyết ô nhiễm sông Dương Đông, tới đây, thành phố sẽ giải toả dân ở bên bờ sông Dương đông và phát triển công viên xanh. Tuy nhiên hiện chưa có nguồn lực để giải toả. Kiên Giang dự định đấu giá khu vực sân bay cũ để có nguồn lực đầu tư. Trước mắt, tỉnh vừa tăng cường công tác quản lý vừa nỗ lực bảo vệ nguồn nước, vớt rác thải trên sông. Trong năm nay, nhà máy rác tại Phú Quốc sẽ hoạt động với công suất 200 ngàn tấn/ngày đêm và thành phố sẽ triển khai thêm 1 nhà máy phụ khác./.
Qua kiểm tra tại Hòn Rỏi có 03 doanh nghiệp neo tàu, trong đó có 02 doanh nghiệp đang hoạt động dịch vụ lặn biển thể thao giải trí với tổng diện tích thả phao khoảng 1,2 ha trong phân khu Dịch vụ hành chính - Khu Bảo tồn biển Phú Quốc; 01 doanh nghiệp đã tiến hành nạo vét đá làm bờ kè, xây cầu bê tông xung quanh mũi Hòn Mây Rút Trong với diện tích khoảng 880m2. Sau khi kiểm tra, chủ doanh nghiệp đã cam kết tháo dỡ công trình xây dựng trái phép, khôi phục hiện trạng ban đầu. Các hòn còn lại có 07 cây cầu tàu ra vào đảo do người dân tự phát xây cất để phục vụ nhu cầu của khách tham quan các đảo.
Tại khu vực Tổ 5, ấp Cây Sao, xã Hàm Ninh, thành phố Phú Quốc, Đoàn đã kiểm tra, ghi nhận 03 trường hợp tổ chức, cá nhân xây dựng công trình trong phân khu Dịch vụ hành chính của Khu Bảo tồn biển Phú Quốc. Các công trình vi phạm gồm: 3 cây cầu dẫn, 1 khu quán ăn, 1 khu bè nuôi cá, 1 quầy bar và 18 Bungalow trên diện tích 2.054 m2. Các trường hợp này Vườn Quốc gia Phú Quốc đã tiến hành lập biên bản làm việc trong tháng 6, tháng 7/2022.
Ngày 18/8, UBND thành phố ra thông báo về việc tạm dừng các hoạt động lặn ngắm san hô, đưa du khách tham quan trong Khu Bảo tồn biển Phú Quốc thuộc khu vực phường An Thới. Theo đó, tạm dừng các hoạt động lặn, ngắm san hô trong Khu Bảo tồn biển Phú Quốc thuộc phường An Thới kể từ ngày 18/8/2022. Đồng thời, nghiêm cấm các phương tiện chưa đủ điều kiện hoạt động theo quy định đưa rước khách du lịch từ bờ ra các thuộc quần đảo An Thới. Giao UBND phường An Thới chủ trì, phối hợp với Phòng Kinh tế, Phòng Văn hóa và Thông tin, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Quản lý Đô thị, Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng An Thới và các đơn vị liên quan khẩn trương xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát đúng quy định; đồng thời nhanh chóng thực hiện nội dung thông báo này.