Hơn ai hết, bà con nông dân thấu hiểu giá trị to lớn của những công trình thuỷ lợi trong việc tưới tiêu phục vụ sản xuất trồng trọt, nuôi trồng thuỷ sản và nước sinh hoạt của người dân nông thôn. Thực tế cho thấy, chỉ những hồ đập lớn dung tích hàng triệu m3 nước trở lên mới đủ sức góp phần chống hạn mùa khô. Điển hình trong đợt nắng nóng, hàng ngàn diện lúa của người dân các huyện Can Lộc, Nghi Xuân, Thạch Hà (tỉnh Hà Tĩnh) đã được cứu sống từ 150 triệu m3 nước của hồ Kẻ Gỗ.

Theo các chuyên gia lĩnh thuỷ lợi, với vị trí địa lý đặc thù địa hình có độ dốc lớn, khu vực Bắc Trung bộ có một mạng lưới sông ngòi khá dày, như sông Lam, sông La và sông Mã... có thể xây dựng những hồ chứa với dung tích thích hợp sẽ giành thế chủ động tưới tiêu trên phần lớn diện tích canh tác nông nghiệp. Đây là giải pháp lâu dài tối ưu nhất trong công tác phòng, chống hạn hán. Dự án công trình đại thuỷ nông Hồ đập Ngàn Trươi - Cẩm Trang ở Hà Tĩnh và hồ Bản Mồng ở Nghệ An đã khởi công, hứa hẹn cho dòng nước tắm mát kênh mương trong ngày hè nắng gắt.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông Hà Tĩnh Lê Đình Sơn cho biết: “Hà Tĩnh là vùng đất “chảo lửa túi mưa”, điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Hà Tĩnh xác định cần bảo vệ nguồn nước và xây dựng chiến lược quy hoạch nguồn nước. Đồng thời hiện nay, Hà Tĩnh đang dồn sức thi công hệ thống ngàn trươi cẩm trang với trữ lượng trên 750 triệu m3 và hồ Kẻ Gỗ để có nguồn nước lâu dài tưới nước là tuới nước khoa học, xác định hệ số tưới, gắn kết các công ty thuỷ nông và hợp tác, khuyến khích người dân tham gia tưới hiệu quả.”

Gồng mình chống hạn chờ mưa rào, người dân trông ngóng nguồn nước của các hồ đập. Tính đến thời điểm này, các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An và Hà Tĩnh có hơn 1.891 hồ đập lớn nhỏ đang xuống cấp và không đủ nước tưới cho diện tích lúa, vì xây dựng từ năm 1960, đã bị bồi lắng, rò rỉ. Năm nào cũng vậy, đến thời điểm nắng hạn thì điệp khúc muôn thủa được cất lên, địa phương gặp khó khăn bố trí nguồn vốn dành cho cải tạo nâng cấp tu sửa. Lĩnh vực thuỷ lợi chưa bao giờ có tên trong danh mục dự án kêu gọi đầu tư mà mấy năm gần đây các tỉnh liên tục tổ chức nhiều cuộc mời chào, vì tuy mang lại lợi ích dân sinh lớn lao nhưng mỗi công trình đại thuỷ nông đều ngốn hàng nghìn tỷ đồng mà lại khó hạch toán nếu tính chuyện lời lãi, thu hồi vốn…  

Trước diễn biến phức tạp của khí hậu, trước mắt người dân và chính quyền địa phương các cấp cần triển khai tưới nước tiết kiệm, sử dụng nguồn nước hiệu quả. Phó Giám đốc Sở NNPTNT Thanh Hoá Lê Duy Trinh nhận định: chính quyền cần tuyên truyền thu hút để dân cùng tham gia từ khâu đầu tư đến khâu khai thác, cần đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch về quản lý tổng thể tài nguyên nước.

Ông Lê Duy Trinh phân tích: “Hiện nay tình trạng sử dụng nước không tiết kiệm diễn ra tràn lan. Chính quyền địa phương cấp xã yếu kém về năng lực quản lý sử dụng tài nguyên nước là một trong những nguyên nhân gây cạn kiệt. Ngay từ đầu năm chúng tôi khuyến cáo rồi nhưng tình trạng đó vẫn xảy ra. Về lâu dài nhất thiết phải tổ chức tưới luân phiên, tưới tiết kiệm, ở từng vùng, từng nhánh kênh một sẽ được tưới trong một khoảng thời gian nhất định.”

Những tưởng vào thời điểm tháng 7 hàng năm, lũ bão bắt đầu xuất hiện, nhiều tỉnh miền Trung phải vật lộn chống chọi với mưa bão. Thế nhưng, những diễn biến bất thường của thời tiết nắng nóng đã và đang khiến cả dải đất miền Trung bị hạn hán hoành hành. Mùa mưa năm 2009 kết thúc sớm, miền Bắc hứng chịu đợt hạn hán đầu tiên xảy ra tháng 3 và tháng 4.

Tình hình hạn hán thực sự diễn ra trên diện rộng khi ngành điện bắt đầu thực hiện cắt giảm điện năng, cung cấp điện luân phiên vào tháng 5. Điều này gây ra sự nghịch lý là có nước ở các hồ đập, sông ngòi nhưng không có điện để chạy được máy bơm. Nhiều người dân tiếc nuối, giá như lúc đó có điện thì họ không phải chịu cảnh thiếu nước trầm trọng như hiện nay.

Để rồi từ tháng 6 đến nay, dải đất miền Trung như chảo lửa, nhiệt độ có lúc lên đến 48oC, nắng nóng thiêu cháy rụi hàng chục nghìn diện tích lúa hè thu ở các tỉnh Bắc Trung Bộ. Mùa nông nhàn đến sớm, hầu hết thanh niên trong xã đều phải đi làm ăn xa mong kiếm ít tiền gửi vè quê cho gia đình tạm sống qua ngày. Các loại máy móc, đầu kéo và nông cụ được phủ lớp bạt nằm im lìm trong góc sân. Người nông dân than thở; làm ruộng mà không có nước coi như không làm.

Chị Đỗ Thị Thuỳ, ở  Thanh Hoá, lo lắng: “Hiện tại nhân dân không có nước, chỉ trông trời mưa. Nước ở ngoài sông bị mặn rồi, trời không mưa là nhân dân mất mùa. Chuyển đổi cây này sang cây khác, dù cây nào thì cũng phải cần nước tưới. Xác định là vẫn phải tiếp tục làm nhưng thu hoạch như thế nào chưa biết.”

Lo lắng của chị Đỗ Thị Thuỳ cũng là bài toán chưa có lời giải cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trên thực tế, không có nước ngọt về chân ruộng, nắng nóng đã làm nước mặn xâm nhập khiến cho đất bị chua mặn khó có thể gieo trồng được bất kỳ loại cây gì. Mặc dù, ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân nên trồng những loại cây có nhu cầu về nước ít như các loại cây họ đậu, cây lạc… song do quá khô hạn, nếu tiến hành trồng mới hoặc gieo cấy lại vụ mùa vào lúc này cũng không mang lại hiệu quả trong khi mùa mưa bão đang đến gần.

Phó Chủ tịch UBND thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) - ông Nguyễn Văn Hải cho  rằng: “Phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng để chuyển sang cây trồng cạn trên địa bàn rất khó khăn. Địa hình thấp trũng, thời tiết nắng nóng kéo dài đến khi vào những tháng mùa mưa tháng 8, tháng 9 rất dễ bị ngập úng, vì vậy, bà con nông dân tập trung cao độ việc chăm sóc. Nhưng khả năng trong một vài tuần tới nếu trời không mưa, đời sống của bà con sẽ gặp nhiều khó khăn do mất mùa.”

Đợt hạn hán này là bài học nhắc chúng ta cần sớm triển khai các biện pháp chống hạn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, tu sửa hồ đập và chuyển đổi cơ cấu mùa vụ hợp lý thích ứng biến đổi khí hậu trong thời gian tới. Về lâu dài, việc quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương cần gắn với bảo vệ và phát triển tài nguyên nước, chú trọng sử dụng nước tính đến đa mục tiêu, kết hợp hài hoà lợi ích của từng ngành, từng địa phương và cộng đồng, bảo đảm tính cân đối trong mối quan hệ tổng thể giữa thượng lưu và hạ lưu, giữa các vùng.

Biến đổi khí hậu, hiện tượng sa mạc hóa cùng với sự khai thác nước thiếu quy hoạch tổng thể của con người đang khiến tài nguyên nước ngày càng cạn kiệt. Thực trạng này đang báo động một tương lai màu xám nếu cộng đồng không có những hành động cụ thể./.