Đối với hộ nghèo, xây dựng được một căn nhà khang trang là niềm mong ước trong cuộc cả đời. Thế nhưng, ở xã Mỹ Đức Đông, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, nhiều hộ nghèo được hỗ trợ xây nhà tình thương theo Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ lại không vui vì việc xây dựng nhà có nhiều dấu hiệu “khuất tất”.  

Vào đầu  năm 2012, vợ chồng ông Vũ Văn Hòa và bà Nguyễn Thị Điển ở ấp Mỹ Quới, xã Mỹ Đức Đông, huyện Cái Bè được hỗ trợ xây nhà tình thương trị giá 80 triệu đồng từ tiền hỗ trợ của Nhà nước theo Nghị định 167 của Chính phủ và tiền góp thêm của gia đình.

nha_tinh_thuong_2_vov_oysq.jpg
Căn nhà tình thương trị giá 15 triệu đồng của bà Phạm Thị Lâm do công đoàn cơ sở Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam tài trợ nhưng UBND xã lập hồ sơ thanh toán nhà 167

Tuy vậy, đến tháng 5/2012, cán bộ xã đến vận động gia đình cho mượn nhà để làm “giả” lễ bàn giao nhà tình thương mà nhà tài trợ là Hội Chữ Thập Đỏ Quận 1 và Hội Chữ Thập Đỏ phường Bến Nghé - Quận 1,TP HCM. Trớ trêu là phía nhà tài trợ đinh ninh căn nhà này do mình tài trợ với số tiền 25 triệu đồng, còn chủ nhà  thì áy náy vì đã “tiếp tay” cho lãnh đạo địa phương hợp thức hóa việc làm không đúng này. Trong khi đó, vợ chồng ông Hòa, bà Điển vẫn phải ký vay 8 triệu đồng từ ngân hàng chính sách xã hội.

Ông Vũ Văn Hòa bức xúc nói: “UBND xã hỏi tôi cho UBND xã mượn cái nhà để làm lễ nhà tài trợ từ phường Bến Nghé xuống người ta cho tiền. Cái đó tôi không biết. Người dân có cười nhiều lắm, người ta nói phường Bến Nghé xuống cho tiền nhiều lắm nên không cho mượn nhà thì mang tiếng. Mình cũng ấm ức lắm mà làm ra thì mất lòng ông chú vợ (tức ông Phạm Văn Hữu, Chủ tịch UBMTTQ xã Mỹ Đức Đông”.

Còn ông Phạm Văn Ngào, một hộ nghèo lại bị bệnh mất trí ở ấp Mỹ Quới được chủ quán cơm Tám Ri 2 tặng 20 triệu đồng xây dựng nhà tình thương. Khi xây dựng, UBND xã mời ông đến ký vay 8 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội để "hợp thức hóa" hồ sơ thanh toán nhà tình thương 167. Như vậy, tuy được doanh nghiệp tài trợ xây dựng căn nhà tình thương nhưng ông Ngào vẫn còn phải nợ ngân hàng 8 triệu đồng.

Bà Nguyễn Thị Phượng, người thân của ông Phạm Văn Ngào có ý kiến: “Tôi rất bức xúc có đi họp đã có hỏi nhiều lần.Tôi thắc mắc là thằng em của tôi được nhà 167 cho 12 triệu rồi vay thêm 8 triệu nữa là 20 triệu đồng. Nhà nước nói là nhà nước cho, khi cất nhà hoàn chỉnh xong tại sao gắn bảng Tám Ri tài trợ nhà. Cuối cùng thằng em tôi phải nợ tiền 8 triệu vay. Nhà nước nói là của nhà nước, mà bây giờ thực sự là doanh nghiệp tài trợ. Bây giờ tôi hỏi là 8 triệu này về đâu và 12 triệu mà nhà nước cho về đâu”.

Từ năm 2009-2012 xã Mỹ Đức Đông xây dựng được 180 căn nhà tình thương cho hộ nghèo theo Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ với  trị giá 20 triệu/căn đồng. Trong đó, phía nhà nước cấp 12 triệu đồng, bao gồm vốn của Trung ương 6 triệu, 6 triệu còn lại từ vốn của  tỉnh, huyện- vốn đối ứng của xã.

Ngoài ra, cũng theo quyết định 167, gia đình được xây nhà bắt buộc phải vay 8 triệu từ ngân hàng Chính sách xã hội. Riêng 1,2 triệu đồng nguồn đối ứng của xã thì địa phương phải chi từ nguồn vận động nhân dân đóng góp hoặc trích từ Quỹ vì người nghèo của xã. Quy định này là đúng và cần thiết nhưng quá trình triển khai thực hiện ở Mỹ Đức Đông đã bị “biến dạng”.

Cụ thể là chính quyền và Mặt trận Tổ Quốc xã, thay vì trích quỹ để hỗ trợ, lại buộc hộ nghèo trước khi được xây nhà phải đóng 1,2 triệu đồng trước gọi là tiền “đối ứng". Khuất tất hơn, chính quyền còn đứng ra vận động doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ số tiền hàng chục triệu đồng với lý do để xây dựng nhà tình thương cho hộ nghèo; song thực chất đã “phù phép” ghép chung với nhà xây theo quyết định 167.

Từ đó xảy ra tình trạng 1 căn nhà nhưng phục vụ 2 mục đích: Nhà sử dụng kinh phí theo quyết định 167 của Chính phủ nhưng lại gắn biển và trao giấy quyết định là nhà của doanh nghiệp tài trợ. Một căn  nhà, có khi tổ chức 2 lễ bàn giao. Một câu hỏi đặt ra là số tiền các doanh nghiệp, nhà hảo tâm tài trợ, thực chất ai là người đã nhận và được sử dụng vào mục đích gì?

Bức xúc vì chứng kiến hàng chục căn nhà tình thương xây dựng không rõ ràng, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Mỹ Đức Đông nói: “Tôi thấy đi dự lễ bàn giao các căn nhà tình thương của nhà tài trợ về  tặng cho dân nghèo thì tại sao đã bàn giao rồi mà cuối cùng đưa vô nhà 167 để buộc người ta vay 8 triệu đồng bây giờ người ra mắc nợ. Tôi rất bức xúc, thấy kỳ lạ vì xây nhà xong rồi thì cũng phải xây cho người khác chứ tại sao một người mà có 2 căn nhà. Điều này là vô lý. Tôi đề nghị cấp trên phải làm sao giải quyết xử lý dứt điểm các trường hợp này vì tại xã có nhiều căn như vậy".

Văn bản cấp nhà tình thương "giả" do doanh nghiệp tài trợ 

Còn ông Nguyễn Văn Sang, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Đức Đông  lại bao biện: 2 nguồn kinh phí nhưng chỉ xây 1 căn nhà là do có sự thỏa thuận với nhà tài trợ. Trong khi đó, trao đổi với  phóng viên Đài TNVN, các hộ nhận nhà tình thương và cả doanh nghiệp đều khẳng định, không hề hay biết việc làm khuất tất này.  

Khi được hỏi, đối với các căn nhà tổ chức lễ bàn giao “giả”, ông Nguyễn Văn Sang cho biết có ký giấy quyết định, dự lễ nhưng không biết rõ việc này: “Cái nhà tình thương mà vận động doanh nghiệp và nhà 167 cùng trên một căn nhà thì tôi không có đi vận động. Bàn giao thì tôi ký quyết định bàn giao chứ vận động thì tôi không có đi vận động, tôi có dự lễ bàn giao. Một cái nhà tình thương mà bàn giao 2 lần thì vấn đề đó nếu ai mà sai thì phải xử lý theo pháp luật. Thực chất căn nhà đã xây dựng rồi mà lấy vốn doanh nghiệp đưa vô đó thì đã sai”.

Khi có dư luận bức xúc trước việc nhiều nhà tình thương xây dựng theo quyết định 167 ở xã Mỹ Đức Đông có dấu hiệu bất minh, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo Sở Lao động-Thương binh và xã hội, Thanh tra tỉnh vào cuộc. Qua khảo sát ban đầu, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh phát hiện hồ sơ xây nhà tình thương 167 ở địa phương này có nhiều “vấn đề” .

Ông Trần Vĩnh Hưng, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Tiền Giang cho biết: Xã Mỹ Đức Đông gần đây có rất nhiều dư luận về thực hiện chính sách đối với nhà ở theo Quyết định 167 để xảy ra sự so bì, phản ánh tâm tư thắc mắc trong dân là không tốt. Gần đây, Sở đã cử nhiều cán bộ đến xã nắm tình hình, và cũng đã phối hợp các ngành chức năng thanh tra làm rõ và công khai ra dân để tránh đi việc giải quyết không đúng các quy định của nhà nước.

Như vậy, việc triển khai xây dựng nhà theo quyết định 167 của Chính phủ cho hộ nghèo ở xã Mỹ Đức Đông, còn nhiều điều khuất tất, cần được các ngành chức năng huyện Cái Bè và tỉnh Tiền Giang làm rõ, xử lý nghiêm các tập thể và cá nhân cố tình sai phạm. Từ đó lấy lại lòng lòng tin cho người dân địa phương./.