Nguyên nhân các vụ tai nạn giao thông thì có nhiều, nhưng đối với học sinh thời gian qua có một điểm chung là kỹ năng lái xe, kỹ năng xử lý tình huống của nhiều em chưa thật an toàn.

Trong điều kiện nhiều em sử dụng xe máy điện hoặc xe máy cũ kỹ độ rủi ro càng cao hơn. Đã thế nhiều cha mẹ, vì không có thời gian đưa đón; trong khi phương tiện công cộng như xe buýt, xe đưa rước thì bất tiện nên bất chấp luật lệ giao thông đã giao cả xe vượt phân khối cho các em điều khiển dù các em chưa đủ điều kiện, chưa có giấy phép lái xe.

Ở độ tuổi hiếu động, suy nghĩ chưa chín chắn, một vài em thích thể hiện tổ chức các cuộc đua tốc độ, đánh võng, vi phạm pháp luật. Nhiều em đi đường dàn hàng ngang, đùa giỡn, gây nguy hiểm cho bạn bè, người đi đường và ngay cả bản thân. Trong khi đó điều kiện đường sá, phương tiện tham gia giao thông đủ loại; hỗn hợp; xe to, xe nhỏ lưu thông; ý thức tuân thủ luật giao thông của không ít người lớn ngày càng kém.

Tình trạng mất an toàn giao thông trước cổng trường, trên đường về nhà, đến trường của học sinh ngày càng cao; cứ mỗi khi các em ra đường, phụ huynh lại lo lắng, bồn chồn, không yên.

Để mỗi ngày đến trường là một ngày vui, nhất là đảm bảo an toàn giao thông cho các em, từng gia đình cần nắm rõ đặc điểm,tình hình giao thông mà hàng ngày các em đi và đến. Hiểu được tâm sinh lý cũng như kỹ năng xử lý tình huống thực tế cuộc sống của con em, nhất là khả năng điều khiển phương tiện tham gia gia thông.

Không nên để cho các em nhút nhát, “ tay lái yếu” chạy xe, nhất là xe máy, xe đạp điện. Nếu gia đình không có điều kiện đưa đón thì ở đô thị đông đúc, thuận tiện nên khuyến khích các em sử dụng phương tiện công cộng, xe đưa đón.

Vùng sâu, vùng xa thì cho các em sử dụng bằng xe đạp, xe điện theo đúng theo quy định; tổ chức đi thành từng nhóm, từng đôi bạn để hỗ trợ nhau. Tuyệt đối không giao xe quá phân khối so với lứa tuổi, không những vi phạm luật mà độ rủi ro rất cao.

Về phía cơ quan quản lý cũng cần hoàn thiện các văn bản, quy định ràng buộc đối với học sinh điều khiển phương tiện giao thông. Xử lý rốt ráo các trường hợp vi phạm để các em không tái phạm cũng như tạo tính răn đe, phòng ngừa. Tổ chức bảo đảm trật tự an toàn giao thông trước trường học; nhất là quy định, quy chuẩn tốc độ các loại xe lưu thông trước các cổng trường. Cấm không được phóng nhanh vượt ẩu, nhất là giờ các em tan học.

Hình thành mạng lưới xe buýt, xe đưa đón thuận lợi để các em lựa chọn đi lại. Nhà trường thường xuyên nhắc nhở, yêu cầu các em chấp hành luật an toàn giao thông. Phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng điều khiển phương tiện giao thông cho các em. Các bài học về văn hóa giao thông, diễn biến giao thông ở khu vực được cập nhật hàng ngày trên trường, trên lớp. Giúp các em nắm rõ tình hình để có ứng xử phù hợp, chuẩn mực. Nêu gương các em làm tốt; nhắc nhở, thậm chí là kỷ luật các em vi phạm.

Đối với sự phát triển toàn diện của nhân cách cũng như kiến thức của mỗi học sinh, sự tác động của gia đình cũng mang tính quyết định. Phụ huynh là hiểu con mình nhất nên đưa ra các lựa chọn phù hợp cho việc đi lại bằng phương tiện gì của mỗi em.

Thường xuyên, nhắc nhở, uốn nắn các em qua bữa ăn sum họp mỗi ngày về việc chấp hành luật an toàn giao thông. Khuyến khích các em bày tỏ suy nghĩ, hành động để tiến tới xây dựng nếp sống văn hóa giao thông ở cả trường học lẫn ngoài xã hội.

Rõ ràng xây dựng một cuộc sống đi lại an toàn cho học sinh; tạo ra một lớp người tuân thủ tốt các quy định về trật tư an toàn giao thông ngày khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường là đặc biệt cần thiết. Đòi hỏi sự chung tay của gia đình, nhà trường và toàn xã hội ngay từ bây giờ và nhiều năm tiếp theo.

Nếu còn buông lỏng, thờ ơ, nguy hiểm còn rình rập; những vụ tai nạn giao thông đau lòng còn xảy ra, đe dọa trực tiếp đến tính mạng của con em chúng ta.