Sở GD&ĐT Hà Nội vừa có văn bản 2928/SGDĐT-KHCN gửi UBND các quận, huyện, thị xã, các cơ sở giáo dục trực thuộc hướng dẫn tăng cường công tác quản lý thu chi năm học 2022-2023.
Theo đó, các nhà trường tuyệt đối không được lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản thu ngoài quy định. Cụ thể sẽ có 7 khoản Ban đại diện cha mẹ học sinh không được thu gồm: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; Trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; Vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; Khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; Mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; Hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; Sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
TS. Vũ Thu Hương cho rằng, chỉ đạo này rất đáng hoan nghênh nhưng cần có giám sát thực hiện triệt để thay vì ra văn bản chỉ để ứng phó với dư luận xã hội.
Các khoản thu quỹ ban phụ huynh của các trường công lập gây bức xúc theo TS. Vũ Thu Hương là do không rõ ràng, minh bạch.
“Nếu như là giáo dục bao cấp thì có nghĩa là không ai phải đóng một đồng nào cả. Nhưng nếu là giáo dục xã hội hóa thì chắc chắn là sẽ có khoản thu và nó giống như các trường dân lập. Nhưng ở đây chúng ta thấy rằng, cách vận hành hiện tại, khối trường công lập đang lửng lơ vừa là bao cấp nhưng vẫn phải có những khoản thu và chi. Vì vậy, nhiều khoản thu trở nên vô lý, không được kiểm soát. Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những quy định rất rõ về các khoản thu này nhưng cứ đầu năm mới chúng ta càng thấy tình trạng trên bảo dưới không nghe”, TS giáo dục Vũ Thu Hương phân tích.
Theo quy định của Bộ Tài chính, tất cả các khoản thu chi đều sẽ phải có báo cáo tài chính. Nhưng ở đây không hề có phiếu thu, hóa đơn hoặc bất kỳ giấy tờ nào xác nhận chính xác cả thu lẫn chi. Trong khi đó, nếu nhân số tiền phụ huynh cả nước đóng quỹ này sẽ ra một con số khổng lồ nhưng đã và sẽ không bao giờ có được báo cáo tài chính minh bạch.
Một yếu tố nữa khiến nhiều phụ huynh bức xúc về khoản quỹ Ban phụ huynh nằm ở việc khoản thu này đã được cắt từ 20-30% về quỹ ban phụ huynh trường để vận hành các hoạt động như khen thưởng, thăm hỏi, động viên và tổ chức các hoạt động tập thể quy mô toàn trường. Nhưng không ít ban giám hiệu vẫn tiếp tục tham gia thô bạo vào các khoản quỹ còn lại của từng lớp như tiền hoa tặng nhà trường các dịp khai giảng, 20/11... hay thậm chí cả việc trang hoàng khuôn viên nhà trường.
Những yêu cầu này đều thông qua giáo viên chủ nhiệm thông báo đến ban phụ huynh. "Hình ảnh giáo viên sẽ bị bôi nhọ, méo mó hơn nếu vẫn còn những khoản thu thế này. Một bó hoa tặng thầy cô sẽ không đáng là bao, nhưng lấy đó là lý do để thu một khoản cố định và khá lớn thì nhiều phụ huynh sẽ cảm thấy bất bình".
Trả lại đúng nghĩa cho các cuộc họp phụ huynh
TS Vũ Thu Hương cho rằng, những khoản thu quỹ phụ huynh xuất hiện và ngày càng lớn, nhiều người sẽ tự hỏi liệu rằng, nếu không có khoản thu nào thì các con có được học hay không và học có tốt hay không?
Không phủ nhận trong điều kiện hiện nay với những yêu cầu đổi mới giáo dục rất cần có thêm nhiều các hoạt động hỗ trợ giáo dục, phát triển kỹ năng cho học sinh và tất cả các phần việc này đều cần đến một nguồn kinh phí, TS Hương cho rằng, thay vì thu một khoản lớn đầu năm, chỉ nên huy động cho từng hoạt động, không gắn việc thu và chi quỹ với hoạt động của ban phụ huynh.
Ví dụ có lớp học giáo dục giới tính, trong chương trình không có, ban phụ huynh sẽ đứng ra tổ chức lớp và thu đúng khoản cần cho hoạt động này. Như vậy, họ có thể có những khoản thu và những khoản chi hoàn toàn hợp lý. Nhưng tất cả các phần việc này chỉ dành riêng cho các phụ huynh thôi và không có sự tham gia của nhà trường, giáo viên chủ nhiệm”, TS Thu Hương nêu quan điểm.
Để thực sự trả lại bản chất tốt đẹp ban đầu cho ban phụ huynh cũng như vận hành quỹ hội đúng mục đích, theo TS Thu Hương, mỗi giáo viên chủ nhiệm cũng cần giữ vị thế bản thân, bày tỏ quan điểm rõ ràng với nhà trường thay vì việc thúc ép ban phụ huynh trích quỹ nộp các khoản thu vô lý từ ban giám hiệu.
Cuộc họp phụ huynh cũng cần trả lại đúng nghĩa là bàn bạc, trao đổi thống nhất giữa giáo viên và phụ huynh về phương pháp giáo dục con trẻ chứ không phải cuộc thu tiền của Ban phụ huynh. Cũng có ý kiến cho rằng, không ít người tham gia Ban phụ huynh với mong muốn là con em mình được quan tâm hơn, được hỗ trợ nhiều hơn trong học tập. Tuy nhiên, nếu được thầy cô nâng đỡ vì bố mẹ làm ban phụ huynh là không tốt cho các em. Việc được đối xử công bằng được xem như một điều quan trọng cho hành trình trưởng thành của mỗi đứa trẻ./.