Xóm Cà Lò thuộc xã Khánh Xuân, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng có 34 hộ dân đồng bào người dân tộc Dao. Nơi đây được ví là xóm 4 không: “không đường, không điện, không sóng điện thoại, chưa có nước sạch”, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn... Điểm trường Cà Lò đặt trên địa bàn xóm có 3 giáo viên, với 2 giáo viên tiểu học và một giáo viên mầm non.

Khóc - cười chuyện dạy chữ ở Cà Lò

Ngày mới bắt đầu ở điểm trường Cà Lò, Trường phổ thông dân tộc bán trú Khánh Xuân, xã Khánh Xuân, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng. Lớp ghép 1-2 do cô giáo Lý Thanh Trầm làm chủ nhiệm có 7 học sinh được chia thành 2 góc với 2 bảng quay ngược lại nhau. Hễ cô giáo giảng kiến thức mới cho HS lớp 1 thì HS lớp 2 tự ôn lại bài cũ và ngược lại.

“Cũng khó trong việc truyền đạt kiến thức, đang dạy lớp 1 thì HS lớp 2 không tập trung, quay sang lớp 1. Dạy lớp 2 thì các em HS lớp 1 làm việc riêng. Mình phải hướng dẫn giảng giải chi tiết thì các con mới làm được”, cô Trầm nói.

Điểm trường Cà Lò có 2 lớp ghép bậc tiểu học. Lớp 1-2 có 7 cháu, lớp 3-4 có 14 cháu. Cô Trầm có 13 năm công tác, trong đó 8 năm liền ở điểm trường Cà Lò, quá quen thuộc với việc giảng dạy lớp ghép. Còn thầy giáo trẻ Dương Văn Thành – giáo viên chủ nhiệm lớp ghép 3-4 mới có một năm công tác ở điểm trường này nên nhiều lúc vẫn gặp những chuyện “dở khóc, dở cười”.

“Vừa dạy lớp 3 bên này thì phải quay sang giảng lớp 4 bên kia, thế nên tháng đầu tiên đôi lúc mình cũng lẫn lộn. Thế là học sinh bảo: “thầy ơi, không đúng rồi!”. Lúc đó chỉ biết xin lỗi học sinh”.

4 năm nay, khi triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ở bậc Tiểu học, Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Khánh Xuân chưa có giáo viên dạy tiếng Anh nên cô giáo bộ môn này được điều động từ trường cấp 2. Vì không có điện, không có internet nên không thể dạy trực tuyến. Cứ một ngày trong tuần, giáo viên Tin học và Tiếng Anh phải vượt gần 40 km, băng dốc, băng rừng lên Cà Lò.

Thầy dạy tin Tin học thì có thể đi xe vào được nhưng cô giáo dạy tiếng Anh thì phải thuê xe bà con trong làng đi ra đón với thù lao 150 ngàn -200 ngàn đồng. “Dù mưa dù nắng thầy cô đều phải đi. Đoạn qua dốc 14 tầng còn khó đi lại nên thầy cô rất vất vả”.

Là giáo viên dạy ở Cà Lò lâu nhất, cô Trầm nhận xét, giáo dục nơi đây đã có chuyển biến tích cực so với thời điểm năm 2012-2013 khi cô mới bắt đầu lên đây nhận công tác. Dù vậy, từ điểm trường lẻ này ra xã học rất xa, đường đi hiểm trở nên càng lên cấp học cao hơn, học sinh lại “rơi rụng” dần. Cà Lò hiện chỉ có 2 lớp ghép tiểu học ở từ khối 1 đến khối 4. Lên lớp 5 học sinh phải ra điểm trường chính. Không phải đứa trẻ nào ở tuổi này cũng đủ dũng khí để lặn lội băng rừng đi tìm con chữ nên ảnh hưởng tới sự chuyên cần của học trò.

Đưa mắt về hướng một học sinh trong lớp, cô Trầm cho biết, học sinh này đã học hết lớp 4, ra điểm trường chính học lớp 5 được 2 tháng thì bỏ dở giữa chừng vì đi lại khó khăn, lại không có nhà người thân dưới xã để gửi gắm. Tới đây, điểm trường Cà Lò sẽ có thêm lớp 5.

Thầy cô là bảo mẫu, chăm trò hơn chăm con

Ở Cà Lò, cứ có tiếng trống là học sinh lại tự động dắt díu nhau tới trường nhưng cũng có những học sinh vì bận trông em nên không đi học. Thầy Dương Văn Thành kể, có những lúc lớp học chỉ có 6 học sinh đi học nhưng chỉ có 3 bạn tới trường còn 3 bạn phải trông em. Vậy là phải đi gọi học sinh tới lớp. Thầy bảo, cứ cõng em xuống đây rồi học cũng được. Nhiều lúc thầy cô còn bế em thay cho cho học trò để các em chuyên tâm đi học.

Nằm vuông góc với dãy nhà tiểu học là lớp mầm non với 17 cháu do cô Ngô Thị Bé phụ trách. Cô bé công tác ở Cà Lò đã 6 năm. Có lẽ thời gian bên cạnh học sinh, cho các em ăn uống, tắm rửa, chăm sóc các em còn nhiều hơn thời gian cô Bé giành cho chính con mình.

Nguồn nước sinh hoạt ở Cà Lò quanh năm phụ thuộc vào nguồn nước mưa, hứng từ các tấm fibro nên việc vệ sinh cá nhân cho các cháu còn hạn chế. “Ở trường, ngoài dạy chữ, cho các con ăn uống, cô giáo còn tắm gội, cắt tóc cho các em”, cô Bé chia sẻ trong lúc thoa thuốc lên những nốt mụn nhọt lấm tấm trên đầu một em bé.

Đầu năm 2013, điểm trường được một đoàn thiện nguyện tặng 2 giàn điện năng lượng mặt tròi. Vậy là các thầy cô không còn phải dùng đèn dầu, thắp nên như trước đây nữa. Nhưng hôm nào trời mưa thì chỉ được 1-2 tiếng là mất điện nên thầy và trò phải dùng rất tiết kiệm.

Trước đây, khi mới lên Cà Lò nhận công tác, cô Trầm nhiều lần muốn khóc vì cứ học đến 10h là học trò bỏ về hết, không quay trở lại. Hỏi ra mới biết, 10h sáng phụ huynh mới bắt đầu làm bữa sáng cho con nên học sinh bỏ về, thậm chí buổi chiều khi có trống đi học cũng chẳng thấy mặt mũi em nào. “3 tháng liền như thế, mình cảm thấy vừa buồn, vừa tức, vừa bất lực, bảo thế này không được nên họp bàn với phụ huynh và ban giám hiệu xin cho điểm trường chế độ ăn bán trú”.

Giờ đây, học trò được ăn trưa tại trường nên mỗi tuần, các thầy cô giáo thay phiên nhau về xã lần để mua thức ăn, sạc điện, pin dự phòng và in ấn tài liệu. Mỗi lần như vậy, hành trình chinh phục con đường “thử thách bất kỳ tay lái cừ khôi” nào của các thầy cô lại bắt đầu. Lúc trở về điểm trường cũng là lúc họ tích đủ “chiến lợi phẩm” cho những ngày tiếp theo.

“Nhiều lúc mấy anh tổ công tác cứ trêu Trầm ơi, sao thì vào trường mà cứ như bà đồng nát túi to, túi nhỏ, túi trước, túi sau, cái gì cũng có treo lủng lẳng đầy xe...”

Suy tư của những người "cắm chốt" xóm "4 không"

Đêm xuống, khi ánh đèn năng lượng mặt trời cạn dần, khi giáo án đã soạn xong cũng là lúc cô Bé, cô Trầm nhớ con, nhớ gia đình nhất. Con cô Trầm học lớp 4. Hơn chục năm không thường xuyên ở bên cạnh con, nhiều lúc cô Trầm thấy tủi thân khi mỗi lần về nhà, nghe con nói “không muốn xa mẹ ngày nào”.

“Mình ở đây kiêm nhiệm luôn y tế học đường, các em bị lở loét, xước đau thì còn chăm kỹ hơn con mình. Nghĩ nhiều lúc thấy tủi vì bỏ bê con cái cho ông bà nhưng công việc thì vẫn phải chấp nhận”, gan góc là thế nhưng nhắc về gia đình cô Trầm lại không giấu được phút yếu lòng.

Còn thầy giáo gen Z Dương Văn Thành sau 4 năm làm hợp đồng cũng vừa chính thức trở thành giáo viên trường phổ thông dân tộc bán trú Khánh Xuân trong năm nay. Chưa lập gia đình nên những suy tư của Thành đều dồn cho nghề gõ đầu trẻ. Anh hào hứng kể về những dự định và cả trăn trở làm thế nào để truyền đạt kiến thức đến trẻ con ở Cà Lò hiệu quả nhất, truyền cho chúng niềm đam mê với sự học. 

Người trẻ thích bay nhảy đến những nơi sôi động nhưng Thành lại quyết định gắn bó với xóm “4 không” bởi cậu nói rằng mình thích trẻ con. “Trên lớp, đôi khi em cũng kể chuyện bản thân của em lũ trẻ để chúng phấn đấu. Học sinh thích nghe thích lắm nhưng không biết các em sẽ ngấm được bao nhiêu”, Thành nói.

Ông Đàm Văn Chuẩn, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Xuân cho biết, xã Khánh Xuân có 3 trường chính cách trung tâm huyện 8km với 10 điểm trường lẻ cả tiểu học và mầm non. Các điểm trường khó khăn trong việc áp dụng công nghệ thông tin vì xa trung tâm, đường cái, thiếu điện, khó khăn trong tiếp cận thông tin, ảnh hưởng đến dạy và học. Điểm trường Cà Lò là điểm trường xa nhất của xã Khánh Xuân, từ trung tâm xã Khánh Xuân vào xóm Cà Lò khoảng 30 km.

Tỷ lệ HS tốt nghiệp THCS ở xã học lên cấp 3 hoặc học nghề thấp nhất nhì địa bàn huyện, liên quan đến các xóm vùng cao. Xã áp dụng nhiều biện pháp, học sinh hộ nghèo đi học xa được tạo điều kiện cho thuê nhà, hỗ trợ ban đầu lo mua lương thực, mua bếp ga, nhu yếu phẩm, bát đũa nhưng vì xa nhà, điều kiện kinh tế khó khăn nên các em bỏ học nhiều, tỉ lệ học lên cấp 3 và học nghề đạt khoảng trên 60%.