Đến với xã Yên Hòa (huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) không khó để bắt gặp những cô, chú  tuy lớn tuổi nhưng có thể thành thạo sử dụng Zalo để đọc tin tức hằng ngày, tra cứu các thông tin BHXH, trường lớp cho con em hay trao đổi với cán bộ xã khi cần giải đáp về một thủ tục hành chính nào đó. Đây là thành quả sau gần 3 năm quyết liệt triển khai chương trình “Xây dựng xã thông minh”, phổ cập công nghệ và tuyên truyền chủ trương chuyển đổi số đến từng thôn xóm, từng người dân.

Dân số hơn 7.500 người, với đặc thù là cấp cơ sở ở nông thôn, tỷ lệ lao động đi làm ăn xa, thời gian ở tại địa bàn ít, vì thế xã Yên Hoà nhận thấy cần tận dụng tối đa sự phát triển của CNTT, các ứng dụng phổ biến để xây dựng kênh giao tiếp hiệu quả với người dân. Trong đó, Zalo là một trong những nền tảng công nghệ được ưu tiên lựa chọn.

Ông Mai Quang Kìn (người dân xã Yên Hòa) cho biết, kể từ khi được thành lập, trang Zalo “Xã Yên Hòa, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình” đã trở thành kênh tương tác chính giữa chính quyền với bà con tại xã.

“Tôi nhớ nhất là vào năm ngoái khi dịch Covid-19 phức tạp cũng nhờ trang Zalo này mà bà con hầu như nắm được hết các tin quan trọng, đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh. Mọi thắc mắc của chúng tôi đều được cán bộ phụ trách kịp thời giải đáp”, ông Kìn nói.

Từ năm 2020 việc triển khai “Xây dựng xã thông minh” được xã Yên Hòa thực hiện theo mô hình do Cục Tin học hóa hướng dẫn dựa trên 3 trụ cột: Chính quyền số (gồm chuyển đổi số các hoạt động nội bộ của chính quyền và các hoạt động giao tiếp, cung cấp dịch vụ công); Kinh tế số (gồm hoạt động thương mại điện tử, du lịch số, quảng bá - thương hiệu số); Xã hội số (gồm y tế số, giáo dục trực tuyến, dịch vụ xã hội số).

Chia sẻ về những thách thức trong giai đoạn đầu, ông Đoàn Trung Nam (Chủ tịch UBND xã Yên Hòa cho biết: Vốn là xã thuần nông, dù tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh và tiếp cận với internet đạt cao tuy nhiên khi bắt đầu triển khai thí điểm, khái niệm "chuyển đổi số" vẫn là điều quá mới mẻ với người dân xã Yên Hòa, đặc biệt là những người cao tuổi, khó tiếp cận với công nghệ.

Để vận động người dân cài đặt và sử dụng các ứng dụng nói chung và Zalo nói riêng, cán bộ, đoàn viên, thanh niên xã Yên Hòa tranh thủ buổi tối đến từng hộ gia đình, hoặc tập trung người dân thành từng nhóm nhỏ tại nhà văn hóa xã. Tại đây, các đoàn viên sẽ hướng dẫn và trực tiếp thực hành các thao tác trên điện thoại thông minh, từ đó giúp người dân, đặc biệt là người cao tuổi có thể tiếp cận và sử dụng thành thạo.

“Hiện nay, việc gọi điện, nhắn tin qua Zalo cũng không phải điều xa lạ với đa số người dân. Chính vì tính đại chúng, dễ sử dụng, dễ cài đặt nên chúng tôi có thể áp dụng Zalo để nâng cao hiệu quả cung cấp thông tin, dịch vụ đến người dân, doanh nghiệp”, ông Nam nhấn mạnh.

Sau khi được hướng dẫn quan tâm, theo dõi trang Zalo, người dân dễ dàng cập nhật các thông tin về an ninh trật tự thông qua mục “Tin tức” được ban quản trị trang biên tập, dẫn nguồn từ các trang web chính thống của ngành và báo chí địa phương, trung ương. Giải quyết các thủ tục hành chính, nộp hồ sơ trực tuyến trong các lĩnh vực tư pháp, lao động, bảo trợ xã hội,... thông qua mục “Tra cứu văn bản và thủ tục hành chính”.

Được biết, hiện chính quyền xã cũng đã xử lý văn bản điện tử, ký số 100%, đưa 100% TTHC thuộc thẩm quyền của xã được tiếp nhận và giải quyết trên hệ thống một cửa điện tử và tích hợp vào trang Zalo này để người dân tiện theo dõi, sử dụng.

“Người dân có thể truy cập nhanh các thông tin, tin tức chính thống của chính quyền xã nhờ sự giản lược các thao tác và tính thân thiện của ứng dụng này”, Chủ tịch xã Yên Hòa nói.

Số liệu từ ban quản trị trang Zalo “Xã Yên Hòa, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình”  cho biết, hiện mỗi bài viết gửi đi từ Zalo xã đều nhận số tương tác bình quân khoảng 3.000 lượt. Mỗi tháng ban quản trị cũng nhận trên 100 lượt câu hỏi, thắc mắc về các thủ tục hành chính và các lĩnh vực khác.

“Sở dĩ trang Zalo được bà con đánh giá cao vì các nội dung thông tin được chuyển đến với người dân nhanh, gọn, súc tích, khi hỏi cũng sẽ được giải đáp cũng nhanh chóng”, chú Nguyễn Văn Nam ( người dân xã Yên Hòa) cho hay.

Đặc biệt hơn, xã Yên Hòa còn là một trong số ít địa phương sáng tạo, thí điểm đưa nông sản, các món đặc sản của xã giới thiệu trên trang Zalo này. Tận dụng lợi ích nền tảng để mở rộng môi trường kinh doanh tiếp cận khách hàng song song với phương thức kinh doanh truyền thống. Qua đó, tạo sự tăng trưởng kinh tế cho người dân, hợp tác xã.

Đánh giá về đóng góp của trang Zalo trong quá trình chuyển đổi số của xã, ông Đoàn Trung Nam nhận định: Người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức, viên chức của xã Yên Hòa được hưởng nhiều lợi ích do nền tảng này mang lại.

Thứ nhất, các thông tin, hoạt động chính thống của chính quyền xã, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nhanh chóng được thông tin đến từng người dân. Thứ hai, Zalo giúp đơn giản hóa, số hóa các thủ tục hành chính. Cuối cùng, đây là kênh tương tác giao tiếp giữa người dân, doanh nghiệp với cán bộ địa phương.

Cũng theo ông Nam, thông qua Zalo thời gian tới chính quyền mong muốn muốn sẽ tiếp nhận mọi phản ánh, kiến nghị, tin tức do người dân đóng góp để cải thiện và xây dựng tốt hơn.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục cải tiến, bổ sung thêm các tiện ích mới và đơn giản hóa một số nội dung, các bước để người dân tương tác với chính quyền đơn giản hơn, phù hợp với nhu cầu, trình đô công nghệ của người dân. Lấy người dân làm gốc trong quá trình chuyển đổi số của xã”, Chủ tịch xã Yên Hòa nhấn mạnh./.