Sau 4 lần điều chỉnh địa giới hành chính, Thủ đô Hà Nội đã trở thành một trong 17 thủ đô có quy mô lớn trên thế giới. Khi thủ đô được phóng năm 1954, Hà Nội có53.000 dân sinh sống và đến năm 2014 thì con số này đã là 7,2 triệu người, chưa kể gần 1 triệu người không đăng ký hộ khẩu thường trú.

Mức độ gia tăng dân số quá nhanh, nhất là việc gia tăng dân số cơ học khiến Thủ đô đang phải chịu áp lực lớn  về chỗ ở, giao thông, điều kiện học tập, y tế, việc làm, môi trường… Giải bài toán này như thế nào khi Thủ đô tròn 60 năm giải phóng?

tac_duong_o_ha_noi_stov.jpg 

Ông Nguyễn Anh Hào- Phó chủ tịch MTTQ phường Vĩnh Tuy cho biết: "So với các phường ở nội thành như Phạm Đình Hổ, Bùi Thị Xuân… thì dân số ở phường Vĩnh Tuy gấp đến 8 lần. Chỉ tính riêng các loại giấy tờ như công chứng giấy kết hôn, các văn bằng hay sổ Đỏ thì người dân cũng vô cùng vất vả, phải mất nửa buổi, thậm chí cả ngày. Có những hồ sơ phải qua ngày mới nhận được. Hai đồng chí phó Chủ tịch cứ thay nhau ký, vừa họp vừa ký. Như vậy, dân số quá tải vừa khó cho việc quản lý, vừa không thể đáp ứng được lòng mong đợi của người dân”. 

Ông Tạ Quang Huy- Chi cục trưởng Chi cục dân số Hà Nội
Hà Nội đang chịu nhiều áp lực về giao thông, nhà ở, học hành, chữa bệnh, nước sạch sinh hoạt, vệ sinh môi trường…Đó là một thực tế. Chỉ tính riêng bệnh viện Bạch Mai, trung bình mỗi ngày có khoảng 1 vạn người đến khám và chữa bệnh. Hay như xã Kim Chung của huyện Đông Anh- nơi có khu công nghiệp Bắc Thăng Long, dân số sở tại có khoảng 7000 người, trong khi số công nhân lên tới 26.000 người, tạo áp lực lớn về chỗ ở….

Hà Nội đặt mục tiêu dân số 7,3 triệu người vào năm 2015 nhưng chắc chắn con số ngày sẽ bị phá vỡ. Ông Tạ Quang Huy- Chi cục trưởng Chi cục dân số kế hoạch hóa gia đình Hà Nội cho biết: Trung bình mỗi năm có khoảng 5 vạn người nhập cư vào Hà Nội. Hiện tại, mật độ dân số trung bình của Hà Nội cao hơn nhiều so với thủ đô của các nước trong khu vực ASEAN.

“Mật độ dân số hiện nay của Hà Nội khoảng 2100 người/km2. So với thủ đô của các nước trong khu vực ASEAN thì con số này rất cao. Bình quân mật độ dân số của các nước chỉ từ 100-200 người/km2. Chẳng hạn như ở Indonesia khoảng 124 người/km2, Myanmar là 88 người/1 km2, Thái Lan là 130 người/km2, Philippin là 124 người/km2…Còn nếu so với mật độ chung của cả nước thì mật độ chung của thủ đô cao gấp 8 đến 9 lần so với mật độ trung bình ”, ông Huy cho biết.

Giải bài toán tăng dân số với phát triển kinh tế- xã hội của thủ đô không phải bây giờ mới được đặt ra. Tuy nhiên, theo tính toán của ngành dân số thủ đô thì hiện tại có sự chênh lệch khá lớn giữa dân số các quận nội thành với các huyện ngoại thành. Do đó, cần có sự phân bố dân cư hợp lý, quan tâm nhiều hơn đến các vùng ven đô, nhất là các huyện nghèo, hạn chế tối đa việc tăng dân số ở các vùng lõi, vùng trung tâm, di dời các trường đại học, cơ sở công nghiệp, bệnh viện ra vùng ngoại ô, khuyến khích phát triển các thành phố vệ tinh….

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Dương- Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế -xã hội Hà Nội, để đạt được quy mô dân số theo quy hoạch  thì đến năm 2020, khu vực nội đô phải giảm gần 20 vạn người, đến năm 2030 giảm khoảng 32 vạn người. Trong nhiều biện pháp để giảm mức tăng dân số, TS Nguyễn Đình Dương ủng hộ các biện pháp hành chính để hạn chế nhập cư, đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân và công tác quản lý nhà nước. Đây cũng là cách làm được nhiều quốc gia trên thế giới như Nga, Trung Quốc, Belarus… áp dụng thành công.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Dương

“Tất cả các quốc gia trên thế giới, đối với các đô thị, nhất là đô thị đặc biệt như thủ đô thì quốc gia nào cũng có biện pháp hạn chế. Tuy nhiên, mỗi nơi lại có một cách làm riêng. Điều đó cũng là cần thiết vì cuộc sống của cả thủ đô chứ không phải vì một nhóm người nào đó”, ông Dương cho biết.   

Thủ đô đã vượt ngưỡng 7 triệu người. Đã đến lúc, các nhà hoạch định chính sách cần nghiêm túc tính toán để có sự hài hòa giữa tăng dân số với phát triển kinh tế- xã hội. Mỗi dự án được cấp phép, mỗi khu đô thị mới mọc lên, các trung tâm thương mại mới ra đời… đều phải cân nhắc xem đặt ở vị trí nào thì phù hợp. Người dân thủ đô nói riêng và nhân dân cả nước đều  kỳ vọng: Thủ đô văn minh, hiện đại nhưng chất lượng sống mới là điều quan trọng./.