Bởi vậy, ngay từ khâu quy hoạch đô thị, quy hoạch cấp nước và trong quá trình thực thi cần phải thực hiện nghiêm túc để tránh những hệ quả lâu dài.

Khủng hoảng nước không phải bây giờ mới xảy ra tại các khu đô thị, khu chung cư tại Hà Nội. Trước đó, nó đã từng xuất hiện ở KĐT Linh Đàm (Q. Hoàng Mai) năm 2017, hay KĐT Đại Thanh (H.Thanh Trì) năm 2014, mòn mỏi hàng tháng trời.

Nhưng do trộn lẫn với các yếu tố khác như sự cố vỡ đường ống, hoặc cao điểm nắng nóng, nên rồi cũng nguôi đi và chưa được bóc tách rõ ràng. Cho đến khi nó trở lại ở KĐT Thanh Hà (H.Thanh Oai) hơn chục ngày nay, khiến cư dân khốn khổ.

Điểm chung của cả 3 khu vực nói trên, đều là những cụm chung cư, đô thị có quy mô dân cư lên tới hàng vạn người, được xây dựng độc lập hoặc “nhồi” vào một KĐT có sẵn, với hạ tầng kỹ thuật đã được quy hoạch, thiết kế cho một khả năng đáp ứng nhất định. Khi việc xảy ra, phương án cấp nước được minh bạch, mới cho thấy một sự “giật gấu vá vai”.

Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020 bổ sung quy định: dự án đầu tư xây dựng khu đô thị phải “đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội với nhà ở hoặc công trình xây dựng khác theo quy hoạch xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt”

Đừng cấp nước theo kiểu “chắp vá”

Trước đó, một trong các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động đầu tư xây dựng được quy định tại Luật Xây dựng 2014 là, phải “bảo đảm đầu tư xây dựng công trình theo quy hoạch, thiết kế, ..bảo đảm ổn định cuộc sống của nhân dân”.

Quy hoạch được nhắc tới ở đây, bao hàm cả quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật. Nhưng trên thực tế, quá trình phê duyệt án đầu tư xây dựng không phải lúc nào cũng tuân thủ các quy định và nguyên tắc.

Nên mới có chuyện, xây nhà trước, đường sá điện nước tính sau. Những điểm nóng về cấp nước tại Đại Thanh, Linh Đàm hay Thanh Hà, chỉ là hậu quả tất yếu của quá trình phê duyệt dự án, theo cách này.

Tiếp cận nước sạch là một trong các quyền cơ bản của con người, được Liên hợp quốc công nhận từ cách đây 13 năm. Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025 do Quốc hội ban hành đặt mục tiêu: Đến năm 2025, sẽ có 95-100% người dân thành thị và 93-95% người dân nông thôn có nước sạch để dùng. Chỉ hơn 1 năm nữa là đến “deadline”, nhưng ngay giữa đô thị hàng đầu, hàng vạn dân vẫn “khát”.

Ngoài câu chuyện về tuân thủ quy hoạch và phê duyệt dự án, thì còn có lý do từ thị trường nước sạch. Khi thiếu nước chỗ này, thành phố yêu cầu chỗ kia ứng cứu, doanh nghiệp vẫn chấp hành.

Nhưng về tâm lý, không ai thoải mái với việc, phải “ứng cứu” cho khách hàng của đối phương, khi họ có nhu cầu và đủ năng lực đảm bảo tốt hơn việc cấp nước mà không thể chen chân vào một thị trường nào đó, chỉ vì “miếng bánh đã chia”.

Dù danh nghĩa là vì trách nhiệm xã hội hay cái gì, thì bản chất việc ứng cứu vẫn chỉ là “kẻ ăn ốc, người đổ vỏ”, theo góc nhìn doanh nghiệp. Điều này không phù hợp với quy luật thị trường.

Quy hoạch cấp nước là cần thiết, để đảm bảo sự phân chia tương đối phù hợp về địa bàn, tránh lãng phí xã hội và giảm thiểu xung đột, tranh chấp không đáng có. Nhưng biện pháp hành chính nếu can thiệp quá sâu sẽ triệt tiêu động lực của những doanh nghiệp muốn làm ăn lớn, và duy trì sức ì của một bộ phận quen với sự bảo bọc lâu nay. Trừ phi, sự bảo bọc đi kèm lợi ích cho cả đôi bên.

Sẽ không chỉ dừng lại ở khủng hoảng nhỏ lẻ, mà an ninh về cấp nước có thể đứng trước nhiều thách thức; các mục tiêu đảm bảo quyền tiếp cận nước sạch có nguy cơ lỡ hẹn, nếu thị trường nước vẫn thế.

Một Luật riêng về nước sạch theo hướng tôn trọng các nguyên tắc của thị trường, với quy định rõ ràng về giới hạn vai trò quản lý nhà nước, sẽ là điều kiện cần để giải quyết bền vững bài toán nước sạch cho đô thị cũng như nhiều địa bàn khác trong thời gian tới.

Thiết kế quy hoạch, phê duyệt dự án là việc của con người. Pháp luật - sự mặc cả lợi ích giữa các nhóm trong cộng đồng, cũng là do con người thiết kế. Cho nên, xét cho cùng, muốn dân không khát nước, thì trong khâu thiết kế quy định và tổ chức thực thi, đừng để xảy ra “ăn mặn”.