- Tâm sự của cha mẹ kẻ giết người, cướp tiệm vàng
- "Hành trình" giết người, cướp tiệm vàng của tên sát nhân
- 48 giờ phá án và lời khai rùng mình của hung thủ
Điều gì đã khiến một thanh niên hiền lành, sống tốt với mọi người xung quanh lại có thể nhẫn tâm ra tay sát hại một người phụ nữ, cướp vàng chỉ để thanh toán khoản nợ 30 triệu với ngân hàng như vậy?
Lý giải về điều này, trên báo GDVN, chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn (Công ty tư vấn tâm lý- Đào tạo phát triển cá nhân và cộng đồng - PSYCONSUL) cho rằng, trong trường hợp quẫn cùng thì người ta sẽ quyết liệt để đạt bằng được mục đích. Khi không quẫn cùng mà đi ăn cướp (tất nhiên là có những thúc bách về mặt tiền nong như việc bố đẻ giục đòi 30 triệu chức về kinh tế thì cũng đã có công ăn việc làm ổn định), thấy rằng nếu có điều kiện thì cướp không thì thôi.
Hung thủ Nguyễn Hữu Dưỡng |
Liệu Nguyễn Hữu Dưỡng có thể bị tử hình hay không? trao đổi với phóng viên vovgiaothong.vn, luật sư Phạm Văn Huỳnh - Trưởng văn phòng luật sư Tâm – Đức ( số 63 Cửa Bắc, Ba Đình, Hà Nội): Hành vi của bị cáo Dưỡng là có chủ mưu từ trước, mục đích nhằm giết người cướp của, do đó phải nhận mức án cao nhất của pháp luật là tử hình.
Từng đại diện bảo vệ quyền lợi cho gia đình nạn nhân vụ giết người cướp tiệm vàng dã man ở Bắc Giang nên luật sư Phạm Văn Huỳnh đánh giá: Trong vụ án giết người cướp tiệm vàng Vững Bắc xảy ra ngày 16/2, hung thủ Nguyễn Hữu Dưỡng đã có sự chuẩn bị trước. Theo luật sư Huỳnh, Dưỡng đã chuẩn bị hung khí trong người (đi xe máy, chuẩn bị một con dao, một súng bắn điện dùng làm hung khí gây án).
Qua hình ảnh thể hiện trên camera an ninh, hành vi của hung thủ ở đây là giết người trước rồi mới cướp (cướp dây chuyền của nạn nhân, sau đó ra đập tủ nhưng chưa kịp lấy, do linh tính hoặc hoảng sợ nên bị cáo bỏ chạy).
Sau đó, bằng các hành động: cứa vào cổ, nạn nhân vùng vẫy, cố chạy ra ngoài kêu cứu đã bị hung thủ đuổi theo đâm liên tiếp sau lưng và tiếp tục cắt cổ, kéo nạn nhân vào bên trong – đó là những hành động quá dã man.
Cũng theo luật sư Phạm Văn Huỳnh, nếu xem xét các tình tiết giảm nhẹ, thì trong trường hợp này bị cáo đầu thú chứ không phải tự thú. Tức là khi nhận thấy không thể trốn tránh được mới ra đầu thú. Đầu thú chỉ là một mức xem xét thôi, nếu kết hợp với việc gia đình có thân nhân tốt, có công với cách mạng mới có khả năng không tử hình. Tuy nhiên, nếu không có các tình tiết trên thì bị cáo sẽ phải nhận mức án cao nhất là tử hình.
Còn trên báo VnMedia, luật sư Trần Đình Triển, Trưởng văn phòng Luật sư Vì dân, Đoàn Luật sư Hà Nội phân tích, kể cả áp dụng nhiều tình tiết giảm nhẹ như tự thú, thành khẩn khai báo thì hung thủ trong vụ giết người, cướp tài sản tại tiệm vàng Vững Bắc, huyện Thường Tín, Hà Nội cũng khó thoát án tử hình.
Cụ thể, theo quy định của pháp luật các bị can, bị cáo nếu có tình tiết giảm nhẹ thì được áp dụng theo Điều 46 Bộ Luật Hình sự về tình tiết giảm nhẹ. Trường hợp phạm tội lần đầu thì không được tính là tình tiết giảm nhẹ. Tự thú hoặc khai báo thành khẩn thì mới được coi là tình tiết giảm nhẹ. Trường hợp có hai tình tiết trở lên thì Hội đồng xét xử có thể cân nhắc để áp dụng mức hình phạt tù hoặc giảm nhẹ khung hình phạt cho bị cáo.Trong vụ cướp tiệm vàng tại Thường Tín, Hà Nội hung thủ bị truy tố theo điều 93 Bộ Luật Hình sự về tội "Giết người" đã cấu thành hai tội giết người, cướp của "nên theo quan điểm của tôi dù có nhiều tình tiết giảm nhẹ hơn cũng không tránh khỏi mức án tử hình", luật sư Triển nói./.