Cụ thể, số người giải quyết hưởng mới trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng giảm 4,53% (tương ứng giảm 104 người) so với năm 2022. Tuy nhiên, số người giải quyết hưởng mới trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp một lần lại tăng 3,69% (thêm 183 người) so với năm 2022.

Theo đánh giá của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có xu hướng ổn định trong những năm gần đây. Nguyên nhân chính là do các đơn vị sử dụng lao động thực hiện khá nghiêm túc quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; chủ động phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo đảm sức khỏe, an toàn cho người lao động.

Công tác chi trả các chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được thực hiện kịp thời, theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời cũng đa dạng hóa các hình thức chi trả, đẩy mạnh việc chi trả qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Chị Đào Thị Minh Phương, 45 tuổi, hiện đang làm việc tại Phòng Hành chính, Công ty Z121 cho biết, cách đây 7 năm, bị tai nạn giao thông trên đường đi làm về, bị chấn thương sọ não mất 76% sức khỏe. Quá trình điều trị, chị Phương nhận được đầy đủ các chế độ trợ cấp tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, chế độ BHYT và các chế độ khác theo Luật Lao động:

“Những năm mình không đi làm được thì nhà máy cùng bên công đoàn hỗ trợ tiền lương cơ bản hơn 3 triệu đồng/tháng. Tôi ở nhà 3 năm, đi làm lại thì nhà máy bố trí cho công việc nhẹ nhàng phù hợp sức khỏe. Tai nạn thì không ai mong muốn nhưng khi bị tai nạn thì việc tham gia bảo hiểm hỗ trợ về thuốc men, tài chính rất tốt. Trước đây tôi được hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là 1 triệu 900 nghìn đồng/tháng, mới tăng lương thì được thêm thành 2,3 triệu/tháng”, chị Phương cho biết.

Thông tin từ Cục An toàn lao động (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), tính đến cuối năm 2022, Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của cả nước kết dư khoảng 60.000 tỷ đồng. Luật An toàn vệ sinh lao động hiện hành có một chương quy định về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với cách chi và mức hưởng cụ thể của người bị tai nạn lao động được tính theo lương cơ sở nên mức hưởng rất thấp, không bảo đảm cuộc sống của người bị tai nạn lao động. Do đó, có nhiều ý kiến đề nghị tăng mức trợ cấp bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.

Mới đây, ngày 19/3/2024, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 31 về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới. Chỉ thị cũng nêu rõ: “Quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo hướng đóng, hưởng linh hoạt, nâng mức hưởng, mức hỗ trợ phù hợp cho người thụ hưởng bảo đảm ổn định cuộc sống, mở rộng và phát triển nhanh đối tượng tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện có sự hỗ trợ của Nhà nước”.

Về nội dung này, bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho rằng: “Tăng mức hưởng cho người lao động cũng là một trong những nội dung chúng ta cũng nên xem xét. Bởi vì thực tế khi người lao động bị ốm đau, tai nạn lao động thì nó không chỉ ảnh hưởng đến người lao động đó mà còn ảnh hưởng đến cả gia đình họ. Hiện nay mức hưởng thì mặc dù đã tính trên cả thời gian họ tham gia bảo hiểm xã hội, mức suy giảm khả năng lao động của họ nhưng mà cũng có những công thức tính trên tiền lương cơ sở mà trong thời gian tới có thể tiền lương cơ sở của chúng ta cũng thay đổi. Thế thì có thể là tính trên tiền lương thực đóng của người lao động để làm sao cái phần kết dư quỹ có thể chăm lo ngược lại cho người lao động, để họ có thể chuyển đổi nghề hoặc hỗ trợ gia đình những hoàn cảnh khó khăn thì việc tăng cường hơn nữa các mức trợ cấp cho người lao động hoàn toàn có thể tính đến để chính sách của người lao động của chúng ta ưu việt hơn, tốt hơn”.