Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong 9 ngày Tết Giáp Ngọ (28/1 – 5/2), toàn quốc xảy ra 338 vụ tai nạn, làm chết 286 người, bị thương 324 người. So với 9 ngày Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013 giảm 60 vụ; giảm 50 người chết; giảm 41 người bị thương.

Theo đó, tai nạn giao thông đường bộ từ ít nghiêm trọng trở lên xảy ra 325 vụ, làm chết 275 người, làm bị thương 322 người; đường sắt xảy ra 9 vụ, làm chết 8 người, bị thương 1 người; đường thủy nội địa xảy ra 3 vụ, làm 3 người chết, 1 người bị thương; hàng hải xảy ra 1 vụ.

Tai nạn giao thông đường bộ đặc biệt nghiêm trọng xảy ra 2 vụ, làm chết 7 người, bị thương 4 người, đều do xe mô tô gây ra (tại Đà Nẵng xảy ra 1 vụ, làm chết 3 người, bị thương 3 người; tại Hà Nội xảy ra 1 vụ làm chết 4 người, bị thương 1 người).

Trong 9 ngày (từ ngày 28 đến mùng 6 Tết Giáp Ngọ), tình hình trật tự an toàn giao thông trong toàn quốc cơ bản được bảo đảm; tại các thành phố lớn không có ùn tắc giao thông kéo dài.

Các lực lượng CSGT toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 28.867 trường hợp vi phạm TTATGT, thu nộp kho bạc Nhà nước 12 tỷ 268,7 triệu đồng; tạm giữ 22 xe ô tô, 7.507 xe mô tô;

Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cũng cho biết: Trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, số lượt phản ánh qua các đường dây nóng gần 800 lượt/9 ngày, chủ yếu tập trung vào ngày cao điểm từ 28 - 29/1 và từ ngày 3 - 5/2 (tập trung vào các ngày người dân về quê ăn Tết và những ngày sau Tết, khi người dân quay trở lại thành phố làm việc). Nội dung phản ánh chủ yếu là tình trạng tăng giá vé quá cao so với quy định và xe chở quá số người quy định, nhồi nhét và chèn ép hành khách.

Các thông tin tiếp nhận từ đường dây nóng đều được chuyển cho các cơ quan chức năng xử lý như: phạt tiền, tước phù hiệu xe, tạm đình chỉ kinh doanh, san tải…/.