Đi xe ôm công nghệ ở Hà Nội, không ít lần tôi gặp lái xe là các em sinh viên, trường ĐH Y cũng có, Bách Khoa cũng nhiều. Với những trường nổi tiếng học vất vả như thế, phải dành thời gian để mưu sinh là chuyện “chẳng đặng đừng”.
Nhìn vào mức học phí phổ biến của nhiều trường đại học trên dưới 20 triệu/năm, cộng với tiền thuê nhà và tiền ăn, chi phí sinh hoạt, mỗi tháng gia đình sẽ phải chi cho các em 5-7 triệu đồng. Đó sẽ là một khoản chi phí lớn với rất nhiều gia đình nông thôn, gánh nặng sẽ tăng thêm nếu có 2 con cùng đi học đại học một lúc. Sinh viên nhà không có điều kiện, ngoài nỗi lo vượt tín chỉ còn nỗi lo gánh vác một phần chi phí với gia đình, đi làm thêm không còn là chuyện lạ.
Bởi vậy, thông tin học phí đại học tăng mạnh không chỉ là nỗi lo mà chắc chắn sẽ còn là quyết định sống còn của nhiều gia đình: Có cho con đi học đại học hay không?
Theo thông tin từ Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT, tỷ lệ tiếp cận đại học của Việt Nam còn rất thấp so với khu vực, chưa nói đến trên toàn thế giới. Trong khi tại Hàn Quốc 300-600 sinh viên nhập học/vạn dân thì ở Việt Nam con số này là 185 sinh viên/vạn dân.
Để có một nền kinh tế tri thức, khả năng tiếp cận đại học của người học là một chỉ số quan trọng. Rất có thể, chỉ số đó đang bị đe dọa bởi mức tăng học phí ồ ạt của các trường đại học.
Trước đây, nhiều chuyên gia đã từng so sánh, không đâu như ở Việt Nam, học phí đại học thấp hơn cả mầm non tư thục. Học phí đại học thấp ở mức “kỳ lạ” mà đòi hỏi chất lượng giáo dục sánh vai với các trường tốp đầu khu vực và thế giới là điều không tưởng. Việc tăng học phí đại học vì vậy gần như một tất yếu mà đã đến lúc chúng ta phải chấp nhận.
Tuy nhiên, người học, vừa là người có nhu cầu được đào tạo để lập thân, lập nghiệp nhưng đồng thời cũng vừa mang tư cách là những công dân đóng góp cho mục tiêu phát triển chung của đất nước. Sẽ không thể nói chỉ mình họ phải chấp nhận gánh chịu một mức học phí mà rất có thể khiến gia đình họ trở nên nghèo hóa.
Vậy học phí tăng đến mức nào là phù hợp? Nguồn thu của các trường đại học chẳng lẽ chỉ trông chờ vào việc tăng thu từ người học? Tăng học phí nhưng làm thế nào vẫn tăng được số người tiếp cận giáo dục đại học?
Đó là những câu hỏi lớn cần được trả lời và cần nhiều giải pháp từ Nhà nước tới các cơ quan quản lý, tới từng cơ sở giáo dục.
Ngoài việc tính toán mức học phí hợp lý, cần phải nhìn nhận đúng về tự chủ đại học. Tự chủ không có nghĩa là cắt nguồn đầu tư từ ngân sách Nhà nước. Nhưng thay vì rải mành mành, bao cấp chi thường xuyên như trước kia, cần nghiên cứu về những cách thức đầu tư hiệu quả cho các trường đại học, trong đó có cả cơ chế đặt hàng đào tạo nguồn nhân lực.
Các trường đại học cũng phải tìm đến các nguồn thu khác từ tài trợ của các tổ chức cá nhân thông qua các dự án nghiên cứu. Những trường đại học lớn trên thế giới như Harvard, Yale sống khỏe nhờ những nguồn tài trợ, theo con số công bố thậm chí cao hơn cả GDP của không ít quốc gia. Dĩ nhiên, so sánh là khập khiễng, nhưng nó vẫn cho thấy một hướng đi “đương nhiên” của các trường đại học trên thế giới mà Việt Nam cần học tập.
Hiện các trường đại học cũng đã lập nhiều hơn các quỹ học bổng dành cho sinh viên nghèo vượt khó, sinh viên tài năng… Các chương trình tín dụng sinh viên cũng đã có dành cho đối tượng sinh viên nghèo.
Tuy nhiên, dễ dàng nhận thấy những nguồn tín dụng đó đa số sinh viên chưa thể tiếp cận và nếu được thụ hưởng cũng chưa đủ để chi trả học phí cùng chi phí sinh hoạt. Vì vậy rất cần những chương trình tín dụng sinh viên phối hợp nhiều bên để người học có thể đi học dựa vào nguồn vốn vay giống như ở nhiều nước tiên tiến.
Những giải pháp đồng bộ đều cần có thời gian. Nhưng ngay lúc này, khi mùa tuyển sinh sắp đến đích, học phí tăng mạnh đồng nghĩa với thêm nhiều gia đình đang phải đứng trước nỗi lo nghèo hóa./.