Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không đã qua được 40 năm. Nhưng đối với rất nhiều người dân Nhật Bản, những hồi ức của những tháng ngày xuống đường để biểu tình phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa của Mỹ tại Việt Nam vẫn còn nguyên trong ký ức. Ông Morita là một trong số nhiều người Nhật Bản vẫn còn lưu giữ kỷ niệm trong những ngày tháng khó quên đó.
Đón tiếp chúng tôi trong một căn phòng nhỏ nằm trong tòa nhà của Liên đoàn lao động thành phố Yokohama, ông Kenichi Morita ngay lập tức kéo chúng tôi đến chiếc bàn bày la liệt giấy tờ. Đó là những bức ảnh, những bài báo, những tài liệu nói về phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam do Liên đoàn lao động thành phố Yokohama phát động cách đây hơn 40 năm.
Ông Morita |
Thời đó, ông Morita là một nhân viên của Liên đoàn mới ngoài 30 tuổi đã cùng những đồng nghiệp của mình tích cực tham gia phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam. Để đóng góp vào hòa bình cho Việt Nam, ông và các đồng nghiệp trong Liên đoàn lao động thành phố Yokohama đã cùng nhau suy nghĩ về cách làm. Ban đầu là báo tường để công bố rộng rãi cho mọi người biết về cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam. Tiếp sau đó là các cuộc biểu tình ngăn chở xe tăng Mỹ sang Việt Nam, quyên góp ủng hộ nhân dân Việt Nam chống Mỹ. Đối với ông Morita thời đó, hòa bình không phải là khái niệm trừu tượng.
“Nói hòa bình một cách chung chung như một khái niệm trừu tượng là không được. Đó phải là hòa bình cho Việt Nam. Mỹ phải rút quân khỏi Việt Nam. Chúng tôi phải nêu bật cụ thể điều này. Không thể chấp nhận việc Mỹ đem quân vào xâm lược Việt Nam và hỗ trợ cho chính quyền bù nhìn”
Chính vì vậy, khi nghe tin về các cuộc ném bóm rải thảm của không quân Mỹ xuống miền bắc Việt Nam, ông và những người bạn trong phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam đã thực sự tức giận. Không thể chấp nhận hành động tàn sát dân thường, Liên đoàn lao động thành phố Yokohama hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Liên đoàn lao động Nhật Bản thời đó đã phát động một cuộc đình công quy mô lớn với hơn 200.000 người tham gia.
Ông Morita nhớ lại: “Chúng tôi dán báo tường phía ngoài các cơ sở công cộng như thư viện để thông báo hôm nay không sử dụng được thư viện do đình công phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ tại Việt Nam. Nếu ai có ý kiến gì chúng tôi sẵn sàng mời lên tranh luận. Lúc đầu chúng tôi nghĩ sẽ có thể phải tranh luận gay gắt với những người muốn sử dụng thư viện. Nhưng quả thực mọi người ai cũng nhiệt tình tham gia, hưởng ứng”.
Đưa cho chúng tôi xem một chiếc nhẫn màu bạc, ông Morita cho biết chiếc nhẫn được làm từ xác máy bay Mỹ ở Việt Nam. Những chiếc nhẫn như thế này đã được bán rất nhiều ở Nhật trong phong trào quyên góp ủng hộ Việt Nam. Thời đó, chỉ cần nhìn thấy ai có chiếc nhẫn như vậy là biết ngay là người cùng chí hướng đem lại hòa bình cho Việt Nam.
Sau chiến tranh Việt Nam, ông Morita lần đầu tiên được đến Việt Nam năm 1978. Suốt từ đó đến nay, ông Morita cùng những người bạn trong phong trào phản chiến đã nhiều lần đến Việt Nam, đóng góp những đồng lương công chức ít ỏi của mình giúp đỡ Việt Nam và chứng kiến sự phát triển của Việt Nam. “Việt Nam như là quê hương của tôi. Cứ mỗi khi cảm thấy không được khỏe tôi lại đến Việt Nam để được hồi phục lại nhờ được cảm nhận sự phát triển của Việt Nam. Chúng tôi, những người đã tham gia phong trào ủng hộ Việt Nam quả thật luôn cảm thấy sung sướng khi thấy Việt Nam phát triển ngày càng vững chắc”./.