Đã 50 năm kể từ ngày Anh hùng - Liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi đi xa, nhưng khí phách hiên ngang của người thanh niên xứ Quảng vẫn sáng mãi trong trái tim những người dân Việt và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Anh hùng -Liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi sinh ngày 1/3/1940 trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng ở làng Thanh Quýt, xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

anh_troi_1_gjyt.jpgLiệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi (Ảnh tư liệu)

Năm 13 tuổi, anh theo anh trai ra Đà Nẵng học may. Đến năm 1954, anh vào Sài Gòn làm thợ điện ở Nhà máy đèn chợ Quán. Tại đây, anh được giác ngộ cách mạng và trở thành chiến sỹ biệt động nội thành.

Vừa mới cưới vợ là chị Quyên nhưng ngày 2/5/1964, anh sẵn sàng nhận nhiệm vụ đặt mìn tại cầu Công Lý (nay là cầu Nguyễn Văn Trỗi) để ám sát phái đoàn quân sự chính trị cao cấp của Chính phủ Hoa Kỳ do Bộ trưởng quốc phòng Robert McNamara dẫn đầu.

Công việc bại lộ, anh bị địch bắt ngày 9/5/1964. Sau 4 tháng giam giữ tại nhà lao Chí Hòa, kẻ thù dùng mọi cực hình tra tấn dã man, cũng không lay chuyển được lòng trung kiên của anh, chính quyền Ngụy Sài Gòn đã kết án tử hình Nguyễn Văn Trỗi.

Lúc 9h45, ngày 15/10/1964, Nguyễn Văn Trỗi bị xử bắn tại sân sau nhà lao Chí Hòa. Trong phút cuối cùng của đời mình, trước sự chứng kiến của nhiều phóng viên nước ngoài, anh đã hô vang “Hãy nhớ lấy lời tôi! Đả đảo Đế quốc Mỹ! Đả đảo Nguyễn Khánh! Việt Nam muôn năm! Hồ Chí Minh muôn năm”.

Anh Nguyễn Văn Dũng, em trai út của anh Trỗi kể lại, ngày nhận tin anh trai mình bị giặc đưa ra pháp trường xử bắn, gia đình, người thân và đồng đội đều đau xót, tiếc thương người cộng sản trẻ tuổi kiên trung. Anh Dũng kể: sau khi anh Trỗi hy sinh, do chiến tranh ác liệt không thể đưa thi hài của anh về quê nhà, nên cha và vợ của anh Trỗi đã quyết định đưa anh vào yên nghỉ tại Nghĩa trang Văn Giáp.

Chị Nguyễn Thị Bích Thủy, hướng dẫn viên tại Nhà lưu niệm anh Nguyễn Văn Trỗi ở huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam chia sẻ, khi tới thăm quan, khách nước ngoài, cựu chiến binh Mỹ bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với anh Trỗi. Có gia đình người Venezuela đã mang con gái tới đây, họ đã rất xúc động khi xem những kỷ vật trong nhà lưu niệm.

Ông Iván Emilio Turmero Crespo- Bí thư thứ 2 Đại sứ quán nước Cộng hòa Venezuela xúc động khi nghe những câu chuyện về Liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi

Những ngày này, tại Nhà lưu niệm anh Nguyễn Văn Trỗi, nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đến dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ Anh hùng - Liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi.

Ông Iván Emilio Turmero Crespo- Bí thư thứ 2 Đại sứ quán nước Cộng hòa Venezuela tại Hà Nội vừa trở lại thăm nhà lưu niệm anh Nguyễn Văn Trỗi. Ông bảo rằng, mỗi lần đến đây ông đều có những cảm xúc riêng, rất mãnh liệt. 9 phút hiên ngang ở pháp trường của anh Nguyễn Văn Trỗi đã trở thành bất tử, không chỉ có sức lan tỏa rất lớn ở Việt Nam mà cả trên đất nước Venezuela. Cũng chính điều đó đã gắn kết Việt Nam- Venezuela trở thành những người bạn thân thiết.

Ông Iván Emilio Turmero Crespo xúc động nói: “Nguyễn Văn Trỗi yêu Tổ quốc Việt Nam bao nhiêu, thì tấm gương của anh lan tỏa sang đất nước Venezuela bấy nhiêu, làm cho người Venezuela coi đó là một tấm gương để noi theo. Họ đã hy sinh thân mình bắt tên Trung tá Mỹ Micheal Smolen, thể hiện tình yêu không chỉ với Việt Nam mà chính cả với nhân dân Venezuela. Từ tình yêu đó, ngày nay Việt Nam- Venezuela đã trở thành những người bạn và ngày càng thắm thiết hơn”.

Ông Iván Emilio Turmero Crespo và con gái ghi sổ truyền thống tại Nhà lưu niệm Anh hùng-Liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi

50 năm trước, ngay sau khi chính quyền Ngụy Sài Gòn kết án tử hình Nguyễn Văn Trỗi, để cứu anh, một tổ chức du kích Venezuela tuyên bố trao đổi anh với một con tin là Trung tá không quân Hoa Kỳ Michael Smolen mà họ vừa bắt giữ. Thế nhưng, khi viên sỹ quan Hoa Kỳ vừa được trả tự do, bọn giặc đã xử bắn anh.

Tưởng nhớ người thanh niên Việt Nam dũng cảm, vào những ngày tháng 10 này, trên đất nước Venezuela xa xôi đã diễn ra nhiều hoạt động tưởng nhớ ngày anh Trỗi hy sinh. Anh Nguyễn Văn Trỗi đi xa, nhưng hình ảnh của anh vẫn sống mãi trong trái tim nhân loại./.