Tổ dệt thổ cẩm truyền thống buôn Mùi 2, xã Cư Né, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk hiện có hơn 20 tổ viên. Đây đều là những người tốt nghiệp khóa đào tạo nghề dệt do Hội LHPN huyện phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Krông Búk tổ chức năm 2017. Sau khi học nghề, các chị đã tự tập hợp lại để thành lập tổ sản xuất, tìm kiếm khách hàng. Chị Hoàng Thị Niệm (dân tộc Tày), Tổ trưởng Tổ dệt thổ cẩm truyền thống buôn Mùi 2 cho biết, với mỗi đơn hàng, tổ sẽ nhận và khoán lại cho các thành viên với mức tiền công từ 300 – 500 nghìn đồng mỗi sản phẩm. Việc dệt thường làm tranh thủ những lúc nhàn rỗi nhưng đã giúp các chị em vừa có thêm thu nhập, vừa gìn giữ được nghề truyền thống.

 "Bản thân thì đam mê nghề dệt thổ cẩm của người dân tộc Ê Đê. Những lúc nhàn rỗi, những ngày trời mưa thì cũng làm thêm để tạo thêm thu nhập. Hiện nay tổ dệt cũng tạo điều kiện, tạo công ăn việc làm cho chị em thường xuyên có thu nhập"- chị Niệm nói.

Tiếp nối thành công, năm nay, huyện Krông Búk tiếp tục mở lớp tập huấn kỹ năng nghề dệt thổ cẩm khóa thứ 2. Lớp học khai giảng từ giữa tháng 3 vừa qua, thu hút 35 học viên tham gia. Chị H Hà Kpă, dân tộc Êđê, ở buôn Ktơng Drun, xã Cư Né, huyện Krông Búk chia sẻ: "Lúc đầu mới vào học thì thấy là khó nhưng mà bắt đầu bắt tay vào làm rồi dần dần thì cũng quen, cảm thấy thích thú với việc học. Bây giờ là chị em là đam mê, ngày nào cũng đi học, sau này là học xong làm được sản phẩm cho bản thân xong rồi sau này là nếu như mà có một đầu ra, bán ra được các sản phẩm mình dệt rồi kiếm thêm được thu nhập cho bản thân mình".

Cùng với nghề dệt thổ cẩm, trong năm nay, huyện Krông Búk sẽ mở 9 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho hơn 300 học viên, với những ngành nghề khác gồm: hàn điện, lắp đặt điện nước, may công nghiệp, chăn nuôi, trồng nấm. Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Krông Búk cho biết, các ban ngành địa phương đã phối hợp khảo sát, cập nhật thông tin nhu cầu học nghề của người dân để xây dựng kế hoạch đào tạo nghề phù hợp.

 Học viên rất là háo hức tham gia, ngoài được đào tạo nghề miễn phí ra thì các em được hưởng chính sách ưu đãi. Trước mắt là tạo cho các em biết được nghề để giữ được nghề truyền thống của địa phương. Các lớp này là đào tạo giáo dục thường xuyên cho các em, khoảng 3 tháng là các em sẽ được cấp chứng nhận học nghề.

Trong toàn tỉnh Đắk Lắk, từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã đào tạo nghề cho hơn 7.000 lao động nông thôn, trong đó có hơn 6.000 lao động người dân tộc thiểu số. Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk, sau đào tạo, trên 80% học viên có việc làm mới hoặc được nâng cao tay nghề cho năng suất, thu nhập cao hơn.

Ông Nguyễn Quang Thuân, Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk cho biết, để công tác dạy nghề đạt hiệu quả, chương trình đào tạo được xây dựng trên cơ sở tham khảo nhu cầu của người học và yêu cầu của thị trường lao động cũng như thực tiễn kinh tế xã hội của địa phương: "Chúng tôi cũng đã có ký kết chương trình liên tịch với các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh có nhu cầu tuyển dụng lao động; trao đổi, làm việc với các trường trung cấp, cao đẳng trên địa bàn tỉnh để tăng cường kết nối thông tin, đưa các ngành nghề họ đang cần thiết để đào tạo. Đối với lao động tự tạo việc làm thì chúng tôi cũng đã làm việc với ngân hàng chính sách. Trên cơ sở phương án của từng người lao động sẽ hỗ trợ cho vay vốn với bình quân khoảng 50 triệu một người".

Thông qua đào tạo nghề, người dân nông thôn ở Đắk Lắk được trang bị những kiến thức cơ bản về kỹ năng nghề nghiệp và năng lực thực hành, nâng cao tay nghề, giúp họ có điều kiện và cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp, tăng thu nhập. Việc đào tạo nghề theo nhu cầu người học và thực tiễn từng địa phương cũng góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.