Khi động đất liên tục xảy ra ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2, Viện Vật lý địa cầu đã đầu tư xây dựng 5 trạm quan trắc động đất ở các xã thuộc huyện Bắc Trà Mỹ, tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên, hệ thống mạng lưới trạm quan trắc động đất này hoạt động kém hiệu quả, không kịp thời ghi nhận được các đợt rung chấn.
Nguyên nhân là chưa có đường truyền Internet, hệ thống máy móc cũ kỹ. Xảy ra điều vô lý này, chính quyền địa phương, nhà khoa học và nhà quản lý, mỗi bên lại nhìn nhận khác nhau.
Năm 2012, động đất liên tiếp xảy ra ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2 nhưng các trạm quan trắc động đất quốc gia đặt ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế và tỉnh Bình Định không thể cập nhật số liệu các trận động đất nhỏ một cách kịp thời.
Trạm quan trắc chưa thiết lập đường truyền Internet. Khi xảy ra động đất, cán bộ của Viện phải đến tận nơi lấy số liệu theo chu kỳ mang về phân tích |
Để có số liệu nghiên cứu và báo tin động đất một cách nhanh chóng, Viện Vật lý địa cầu đã đề nghị Nhà nước đầu tư xây dựng 5 trạm quan trắc địa phương đặt tại các xã xung quanh khu vực thủy điện Sông Tranh 2. Cuối năm 2012, các trạm này đi vào hoạt động.
Nhưng từ đó đến nay, khi xảy ra động đất, tín hiệu rung chấn không truyền trực tiếp được về Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần của Viện Vật lý địa cầu, mà cán bộ của Viện phải đến tận nơi lấy số liệu theo chu kỳ mang về phân tích. Nguyên nhân do các trạm này chưa thiết lập đường truyền Internet.
Chiều 3/4, trả lời phóng viên Đài TNVN, PGS. TS Nguyễn Hồng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần-Viện Vật lý địa cầu giải thích: “Đường Internet này phụ thuộc vào đường IP tĩnh khu vực tỉnh đấy (Quảng Nam-PV). Mà tỉnh đấy họ không giúp, thì mình chịu, không thể nào có đường truyền ưu tiên có IP tĩnh cả. Điều này phải kiến nghị với Nhà nước và cấp có thẩm quyền cao hơn. Tuy nhiên cho đến giờ phút này, tất cả các kiến nghị vẫn chưa được đáp ứng, cho nên không có thông tin truyền nhanh. Một trạm truyền được số liệu, nhưng bằng đường 3G nên không ổn định. Điều này nằm ngoài khả năng của chúng tôi”.
Trong khi Viện Vật lý địa cầu phàn nàn chính quyền địa phương không quan tâm hỗ trợ lắp đặt đường truyền, thì ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My lại khẳng định, tất cả các khu vực có trạm quan trắc động đất của Viện Vật lý địa cầu đều có đường truyền. Ông Trần Anh Tuấn cũng cho rằng, trách nhiệm lắp đặt đường truyền không thuộc chính quyền địa phương.
Trong lúc lãnh đạo UBND huyện Bắc Trà My khẳng định khu vực này đã có đường truyền Internet, thì ông Hồ Quang Bửu, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Nam lại bảo rằng, khu vực này chưa có đường truyền.
Theo ông Bửu, máy móc thiết bị của 5 trạm quan trắc của Viện Vật lý địa cầu là máy cũ, không có cổng giao tiếp với Internet. Tỉnh Quảng Nam sẵn sàng hỗ trợ phía Viện Vật lý địa cầu lắp đặt đường truyền, bởi chi phí không nhiều.
Ông Hồ Quang Bửu cho biết: “Viện Vật lý địa cầu nhập 10 máy mới của vương quốc Anh, có cổng giao tiếp. Còn đường truyền thì khi nào có yêu cầu, tỉnh sẵn sàng hỗ trợ”.
Chỉ mỗi việc thiết lập đường truyền số liệu nhưng từ cơ quan chuyên môn đến chính quyền địa phương, cơ quan quản lý Nhà nước lại nói khác nhau. Cứ cái kiểu “ông nói gà, bà nói vịt”, thì không biết đến lúc nào 5 trạm quan trắc động đất ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2 của Viện Vật lý địa cầu mới phát huy tác dụng./.