Ngày 30/3, HĐND Thành phố Hà Nội đã thảo luận và góp ý vào Dự thảo Luật Thủ đô. Giới thiệu về bản mới nhất của Dự thảo Luật, ông Võ Văn Tuyền, Vụ trưởng Vụ các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp cho biết đây là bản có nhiều nét mới và có 5 vấn đề còn nhiều luồng ý kiến khác nhau như việc hạn chế cư trú ở một số khu vực nội đô trong Dự thảo Luật là trái với quy định tại Điều 68 của Hiến pháp. Theo ông Tuyền, quan điểm của Ban soạn thảo là “việc trao cho Chính phủ thẩm quyền quy định điều kiện cư trú ở khu vực nội đô, đồng thời quy định các biện pháp nhằm khuyến khích dân cư sinh sống, làm việc ở khu vực ngoại đô của Hà Nội là phù hợp với chủ trương của Đảng, hợp hiến, đã được pháp luật quy định; cũng là điều hết sức cần thiết và phù hợp với thông lệ quốc tế”. Ban soạn thảo đưa ra 5 lý do để chứng minh cho nhận định này. Trong đó, liên quan đến quản lý di dân, theo Điều 68 của Hiến pháp, công dân có quyền tự do cư trú theo quy định của pháp luật. Ban soạn thảo cho rằng, nên quy định giao Chính phủ ban hành quy định về điều kiện cư trú ở khu vực nội đô và các biện pháp khuyến khích cư trú ở ngoại đô nhằm bảo đảm mục tiêu dân cư được quản lý theo quy hoạch chung Thủ đô là không trái với Hiến pháp. Về vấn đề này, các đại biểu tỏ ra đồng tình và không có ý kiến thêm. Nhiều đại biểu HĐND Thành phố ủng hộ đề xuất của Ban soạn thảo về quy định cho phép HĐND Thành phố có thẩm quyền quy định mức thu phí xây dựng, môi trường và giao thông ở khu vực nội đô cao hơn mức trung bình không quá 3 lần; cho phép chính quyền Thủ đô quy định mức phạt lấn chiếm và sử dụng đất sai mục đích cao hơn mức phạt chung cho cả nước tối đa gấp 5 lần. Đây là nội dung đã được Ban soạn thảo điều chỉnh theo hướng giới hạn cả mức phạt lẫn đối tượng, lĩnh vực tăng mức phạt. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng bản dự thảo lần này còn nhiều thiếu sót trong cách nhìn nhận, bao quát các vấn đề. Đại biểu Trần Trọng Hanh, Ban Pháp chế nhấn mạnh: “Phát triển đô thị và nông thôn của Thủ đô là khái niệm rộng lớn… Các quy định về phát triển trong dự thảo quá đơn giản, không đủ và không có khả năng điều chỉnh được các hoạt động đầu tư, xây dựng và phát triển Thủ đô bao gồm cả phát triển đô thị và phát triển nông thôn; về vật thể và phi vật thể”. Về quản lý đô thị, ông Trần Trọng Hanh đã đề xuất nhiều phương pháp, trong đó có việc nghiên cứu áp dụng thí điểm chế độ thị trưởng thay thế cho chủ tịch UBND các cấp hiện nay. Theo ông Hanh, có như vậy thành phố mới phát huy tối đa quyền chủ động, tính thống nhất trong tổ chức thực hiện các kế hoạch, quy hoạch phát triển Thủ đô trong tương lai. Ngoài ra, cần thành lập Ủy ban Vùng Thủ đô vận hành theo chế độ chủ tịch luân phiên và Chính phủ cử người tham gia. Ông Hanh cũng đề xuất nên thay thế chế độ Kiến trúc sư trưởng bằng Ủy ban quy hoạch và phát triển Thủ đô, vì đây là mô hình được áp dụng thành công ở nhiều nước trên thế giới. Đại biểu Đào Xuân Mùi cho rằng, kiến trúc nội đô của Hà Nội hiện rất xấu, phức tạp, cần có sự đột phá trong quản lý mới có thể tạo được sự thay đổi. Theo ông, trong Luật nên giao cho thành phố và các cơ quan Trung ương có một thời hạn nhất định để tập trung cao độ nhân lực, vật lực hoàn thành quy hoạch xây dựng chi tiết nội đô, sau đó mới bắt đầu cấp phép xây dựng thì mới khắc phục được tình trạng lộn xộn như hiện nay. Kết luận hội nghị, bà Ngô Thị Doãn Thanh, Chủ tịch HĐND Thành phố Hà Nội nhấn mạnh yêu cầu về chất lượng của Luật Thủ đô phải được đặt lên hàng đầu và khẳng định, HĐND TP sẽ tập hợp tất cả ý kiến của đại biểu thành văn bản để chuyển tới Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét./.