Bên lề Hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2017 của ngành Giao thông vận tải, ông Lại Xuân Thanh – Cục trưởng Cục Hàng không đã trao đổi một số vấn đề liên quan đến tình trạng “khát” nhân lực kỹ thuật cao của ngành trong thời gian tới, đặc biệt là phi công.

lai_xuan_thanh_vov_ymqn.jpg
Cục trưởng Cục Hàng không Lại Xuân Thanh - Ảnh Phi Long

Ông Lại Xuân Thanh nói: “Ngành hàng không Việt Nam hiện nay đang rất phát triển, đòi hỏi nguồn nhân lực mạnh, nhất là những người có tay nghề vững, kỹ thuật cao. Tuy nhiên, nhân lực hàng không hiện nay, nhất là người Việt Nam có trình độ cao vẫn rất hạn chế”.

Theo Cục trưởng Lại Xuân Thanh, dự báo đến năm 2020, nguồn nhân lực ngành này sẽ đạt con số 48.860 người, chiếm chủ yếu trong đó là lực lượng lao động của các doanh nghiệp, khoảng hơn 40.000 người.

Trong đó, nhu cầu về giám sát viên an toàn hàng không rất lớn, đặc biệt đối với lĩnh vực máy bay và khai thác máy bay, bảo đảm hoạt động bay để đảm bảo về số lượng giám sát viên theo định mức khuyến cáo của ICAO, nhằm thực thi đầy đủ trách nhiệm và nhiệm vụ của nhà chức trách hàng không theo quy định. Riêng đội ngũ giám sát viên an toàn lĩnh vực máy bay và khai thác máy bay, bảo đảm hoạt động bay cần phải bổ sung trong năm 2017 là 25 người.

Còn đối với các doanh nghiệp hàng không, nhu cầu phát triển nguồn nhân lực khá lớn, theo dự báo tốc độ tăng lao động bình quân chung 5%/năm, cơ cấu lao động tăng chủ yếu ở lĩnh vực khai thác và cung cấp dịch vụ hàng không, nhất là đội ngũ nhân viên kỹ thuật, nghiệp vụ thực hiện nhiệm vụ và tác nghiệp về hàng không; nhân viên hàng không đối với các chuyên ngành đặc thù.

Mặc dù có nhu cầu lớn, song theo người đứng đầu ngành hàng không, hiện Việt Nam vẫn chưa thể tự chủ, tự đào tạo nguồn nhân lực cho mình. Thứ nữa, do tốc độ tăng trưởng của vận tải hàng không những năm gần đây quá nhanh khiến cho nguồn nhân lực trong ngành không kịp đáp ứng.

Một bài toán khó đặt ra cho ngành hàng không Việt Nam là làm sao tăng tỷ lệ nhân lực kỹ thuật cao là người Việt Nam trong cơ cấu lực lượng để đáp ứng được yêu cầu hiện tại và cho lâu dài.

 “Hiện lực lượng phi công là người Việt Nam vẫn rất hạn chế. Ví dụ như Vietnam Airlines, số lượng phi công người Việt chỉ chiếm 30%. Vietjet Air, Jetstar thì tỷ lệ còn thấp hơn rất nhiều.” – Ông Thanh, nói.

Để giải quyết dứt điểm vấn đề, theo ông Lại Xuân Thanh, thời gian tới ngành hàng không sẽ đẩy mạnh đào tạo chuyên ngành đồng thời đẩy nhanh xã hội hoá trong việc đào tạo nguồn nhân lực.

Nguồn nhân lực kỹ thuận cao trong ngành hàng không, đặc biệt là lực lượng phi công là người Việt Nam vẫn rất hạn chế.

Liên quan đến cạnh tranh nhân lực giữa các hãng hàng không trong nước, ông Lại Xuân Thanh cho biết, quan điểm của Cục Hàng không Việt Nam là không can thiệp hành chính vào việc luân chuyển nguồn nhân lực giữa các đơn vị với nhau mà chỉ có những chính sách để làm sao đảm bảo tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật.

“Luân chuyển nguồn nhân lực trong xã hội là một nhu cầu của thị trường, Cục Hàng không sẽ không can thiệp bằng biện pháp hành chính. Các doanh nghiệp sẽ phải tự mình hoàn thiện để giữ chân người lao động, đó là điều quan trọng. Đó cũng là đảm bảo công bằng, bình đẳng cho nguời lao động.” – Ông Lại Xuân Thanh, nói.

Nói về hướng phát triển trong thời gian tới, ông Lại Xuân Thanh cho biết, năm 2017 ngành hàng không tập trung điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không Tân Sơn Nhất để nhanh chóng giải quyết tình trạng tắc nghẽn, bao gồm cả giao thông tiếp cận. Lâu dài thì phải đẩy nhanh tiến độ xâu dựng sân bay Long Thành. Cùng đó, hiện đại hoá theo đúng tiêu chuẩn ICAO.

“Những giải pháp đó, trước mắt để giải quyết tình trạng quá tải hiện nay của hệ thống cảng hàng không và về lâu dài tạo cho Việt Nam tiếp tục phát triển thành trung tâm hàng không của khu vực và thế giới” – ông Thanh, nói.

Trước câu hỏi, làm sao để khắc phục các hãng hàng không delay trong dịp Tết, ông Thanh cho biết, ngành hàng không đã có kế hoạch trong việc tăng chuyến để đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân. Bên cạnh đó, sẽ kiểm soát chặt chẽ các slot tại các Cảng hàng không cũng như điều phối giờ hạ, cất cánh, thống nhất lịch bay tăng chuyến với các hãng.

“Trên cơ sở kiến nghị của các hãng và cơ sở hạ tầng tại Tân Sơn Nhất, Cục Hàng không quyết định tăng cường 1.270 chuyến từ ngày 16/1 đến 12/2 (trong đó 1.067 chuyến bay tăng thêm đến và đi từ Tân Sơn Nhất), tăng 8,5% so với lịch bay thường lệ. Cộng thêm hàng nghìn chuyến bay quay đầu bay rỗng đến Tân Sơn Nhất, hành khách sẽ không lo thiếu chuyến bay, thiếu chỗ trong dịp Tết.” – Ông Lại Xuân Thanh, nói./.