Tại buổi đối thoại, đại diện UBND quận Hải An (TP Hải Phòng) đã trả lời kiến nghị của các hộ dân liên quan đến việc xác định nguồn gốc đất nuôi ngao của các hộ dân. Theo đó, khu vực này vốn là vùng biển ven bờ thuộc địa phận quận Hải An, có một số gò cát hình thành tự nhiên và được các hộ tự quây bãi, nuôi trồng ngao. Khi nuôi ngao, các hộ không thực hiện thủ tục xin cấp phép nuôi ngao tại các cơ quan có thẩm quyền và không khai báo với chính quyền địa phương.
Theo UBND quận Hải An, việc các hộ dân nuôi trồng thủy sản trên khu vực biển không được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép theo quy định là vi phạm Điều 38, Luật Thủy sản; điểm c Điều 17, Nghị định 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Vì vậy, UBND quận Hải An đã ban hành các quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hộ dân không chấp hành thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính. UBND quận Hải An không thu hồi đất của các hộ dân nên không ban hành quyết định thu hồi đất và không thực hiện quy trình bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất.
Các cơ quan chức năng thành phố Hải Phòng cũng trả lời các kiến nghị của các hộ nuôi ngao về việc giao đất cho các doanh nghiệp khai thác cát; kiến nghị về Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đê biển Nam Đình Vũ thuộc Khu vực kinh tế Đình Vũ - Cát Hải…
Tại buổi làm việc, đại diện các cơ quan và bộ, ngành Trung ương cho rằng, TP Hải Phòng đã cầu thị khi mời các cơ quan Trung ương về đối thoại với các hộ dân và chuẩn bị đầy đủ các kiến nghị của các hộ dân nuôi ngao tại quận Hải An; đồng thời trả lời, giải đáp một số ý kiến của các hộ dân liên quan đến các nội dung này.
Theo ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương (Thanh tra Chính phủ), việc nuôi ngao tại quận Hải An (TP Hải Phòng) trước đây là tự phát, có một phần liên quan đến việc buông lỏng quản lý tại cơ sở nhưng bây giờ cần phải có sự quản lý của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng; vì vậy, TP Hải Phòng vào cuộc quản lý, quy hoạch lại là phù hợp với các quy định hiện hành. Ông Nguyễn Hồng Điệp cũng nhắc nhở bà con trong việc hợp tác với chính quyền, không tổ chức khiếu kiện đông người, vượt cấp.
“Đề nghị bà con phải hợp tác. Không chỉ công dân có nuôi ngao mà vì lợi ích chung của tất cả công dân thành phố, sự phát triển của thành phố và sự an ninh của đất nước. Về lâu dài, nghề ngao phát triển, xét thấy nếu địa phương cần thiết thì có xây dựng quy hoạch, trong quy hoạch đề xuất bà con cùng tham gia. Khiếu nại, tố cáo là quyền của công dân, các bác có quyền khiếu nại, tố cáo nhưng phải đúng nơi, đúng chỗ, đúng quy định của pháp luật và được xử lý theo trình tự”, ông Điệp nói.
Sau khi lắng nghe ý kiến của các hộ dân, luật sư đại diện và các ban ngành Trung ương, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng đã giải đáp, làm rõ hơn các nội dung liên quan 13 câu hỏi của các hộ dân. Ông Nguyễn Văn Tùng yêu cầu quận Hải An tiếp tục giải quyết khiếu nại theo đúng quy định, trình tự; nếu các hộ dân không chấp hành việc di dời nuôi ngao khỏi khu vực không được cấp phép thì sẽ thực hiện cưỡng chế theo kế hoạch.
“Trong quá trình cưỡng chế, trước mắt sẽ thu dọn các chòi, cọc cắm. TP vẫn cho phép các hộ dân thu hoạch ngao trong một thời điểm nào đấy, tất nhiên không dài được. TP rất muốn xem xét hỗ trợ dân trong bối cảnh này nhưng nếu thực hiện phải đúng quy định pháp luật. Ngân sách không thể bỏ ra để hỗ trợ trong trường hợp này. Liên quan đến các hộ nuôi ngao chồng lấn các mỏ cát thì các mỏ cát có hỗ trợ 30 triệu đồng/ha nuôi ngao; tổng diện tích chồng lấn khu vực này là hơn 68ha; tổng hỗ trợ khoảng 2 tỉ đồng”, ông Tùng nêu rõ.
Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cũng lưu ý, nếu các hộ dân còn băn khoăn về quyết định của UBND TP thì có thể khởi kiện ra tòa để đảm bảo công bằng, minh bạch, khách quan./.